Hàng không chi phí thấp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Vietjet đạt 44% thị phần trong nước trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Phòng Vận tải hàng không. Theo đó, hãng đã thực hiện 68.821 chuyến bay với 13,5 triệu lượt khách, đạt lũy kế vận chuyển hơn 83 triệu lượt.
Bay quốc tế giúp mở dư địa mới
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, mảng dịch vụ vận tải hàng không của Vietjet ghi nhận doanh thu 20.148 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.563 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Thời gian này, Vietjet tiếp tục mở rộng mạng bay trong nước và quốc tế. Bên cạnh 3 đường bay nội địa chiến lược từ Cần Thơ, hãng mở thêm 9 đường bay quốc tế tới các điểm đến “nóng” để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch, bao gồm: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia và Trung Quốc.
Việc khai thác tốt thị trường bay quốc tế giúp Vietjet duy trì tăng trưởng khi thị trường nội địa đang quá tải hạ tầng. Bay quốc tế còn giúp hãng có thêm nguồn thu ngoại tệ và hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, cũng như chi phí nhiên liệu thấp hơn trong nước.
Kết quả hoạt động khai thác khác, số ghế km thực hiện (RPK) đạt 16,3 tỷ đơn vị tương ứng tăng 22% so với cùng kỳ, hệ số sử dụng ghế (load factor) bình quân đạt 88%, độ tin cậy kỹ thuật 99,64%, tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 81,5%.
6 tháng đầu năm, Vietjet đạt vốn chủ sở hữu 15.622 tỷ đồng. |
Doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng tốt khi doanh thu hợp nhất đạt 26.301 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng hàng không tiêu dùng
Với Vietjet, thị trường quốc tế vẫn có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ (ancillary), cùng lợi thế chi phí nhiên liệu lấp đã gia tăng nguồn ngoại tệ cho hãng. Kết quả sau 6 tháng đầu năm, lượng khách các tuyến quốc tế của hãng đạt được mức tăng trưởng 35% với gần 4 triệu lượt khách. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt 54% trên tổng doanh thu vận tải hàng không.
Doanh thu phụ trợ và vận tải hàng hóa đạt 5,474 tỷ đồng, tỷ trọng tăng từ 21% năm trước lên 27% năm nay, chủ yếu nhờ đóng góp từ sự tăng trưởng các tuyến quốc tế. Doanh thu phụ trợ được xem là tương lai của Vietjet Air với các hoạt động thương mại điện tử hiện đại nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Sàn thương mại điện tử và ví điện tử của Vietjet được hãng lên kế hoạch ra mắt trong khoảng 2 năm tới, hợp tác với nhiều ngân hàng, khách sạn cũng như các doanh nghiệp khác. Mới nhất, hãng ra mắt ứng dụng điện thoại phiên bản mới và chương trình Vietjet SkyClub với nhiều ưu đãi.
6 tháng đầu năm, Vietjet cũng ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu đạt 15.622 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32% so với cùng kỳ năm trước. Với các chỉ số tài chính tích cực, hãng cũng đã chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 55%, cao hơn kế hoạch 50% thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm trước.
Giải bài toán nhân sự hàng không
Học viện hàng không Vietjet đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM, là cơ sở đào tạo hiện đại quy mô quốc tế với trang thiết bị, chương trình đạt chuẩn EASA của châu Âu. Học viện đã thực hiện hơn 250 khóa học cho 5.623 lượt học viên phi công, tiếp viên, kỹ sư, nhân viên hàng không trong 6 tháng đầu năm.
Buồng lái mô phỏng (SIM) tại học viện được đưa vào sử dụng tháng 11/2018, đến nay đã được sử dụng đào tạo 3.178 giờ cho 2.809 lượt học viên và giáo viên. Trung tâm SIM của Vietjet đã đạt chứng nhận ATO level 2 của Cơ quan an toàn hàng không châu Âu EASA, bộ tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Chiến lược phát triển bền vững của hãng đã góp phần đưa Vietjet trở thành một trong những doanh nghiệp nước ngoài ít ỏi và doanh nghiệp duy nhất đến từ Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản - Keidanren.
Với các nền tảng kinh doanh tốt, kế hoạch mở rộng mạng bay khắp khu vực và thế giới cùng khả năng quản trị chi phí, quản lý chất lượng vận hành khai thác, Vietjet dự báo sẽ duy trì tăng trưởng tích cực trong các chỉ tiêu 3 năm tới đã được công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên, duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế.
Vietjet cũng cho biết đang xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo, phát huy hiệu quả lợi thế của hãng hàng không khi mở rộng sang cung cấp các dịch vụ hàng không.