"Phố ẩm thực giúp phát triển nền kinh tế ban đêm của TP.HCM, nhưng không phải địa phương nào cũng xây dựng thành công. Thực tế, nhiều nơi đang mở phố ẩm thực như trào lưu, không tạo được điểm nhấn", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định về bất cập đang tồn tại khi quy hoạch phố ẩm thực ở TP.HCM.
Ghi nhận của Zing tại nhiều khu phố, có sự chênh lệch rõ ràng lượng du khách ghé thăm. Chỉ một số nơi nổi tiếng, thu hút đông người dân và khách du lịch như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4). Những tuyến phố khác rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ như phố Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ Đài Quang Trung (quận 10), Hậu Giang (quận 6)...
Theo các chuyên gia, bất cập lớn nhất khi xây dựng phố ẩm thực ở TP.HCM là chưa có quy hoạch tổng thể dẫn đến các nơi đang na ná nhau, không tạo được điểm nhấn. Để phố ẩm thực trở thành địa điểm du lịch thu hút khách, lãnh đạo địa phương cần thực hiện nhiều phương án chứ không chỉ biến nơi này thành "khu bán đồ ăn khổng lồ".
Giá trị điểm nhấn
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc một số phố ẩm thực TP.HCM thất bại, vắng khách không gây bất ngờ. Chuyên gia cho biết các tuyến phố đang gặp khó khăn khi thiếu điểm nhấn trong ẩm thực, hầu như phố nào cũng bán thức ăn nhanh, trà sữa, pizza. Du khách tò mò đi được 1-2 lần là không muốn quay lại.
"Việc quy hoạch phố ẩm thực ở TP.HCM đang rất dàn trải, địa phương chỉ quan tâm đến việc phân lô, hộ dân đến đăng ký rồi buôn bán. Thực tế, một số địa phương chỉ đang dừng ở mức thấy khu nào bán nhiều đồ ăn thì tiến hành quy hoạch, gom lại thành phố ẩm thực", ông Sơn nêu quan điểm.
Việc quy hoạch phố ẩm thực đang rất dàn trải, địa phương chỉ quan tâm đến việc phân lô, hộ dân đến đăng ký rồi buôn bán.
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Theo vị kiến trúc sư, khi xây dựng phố ẩm thực cần đặt ra câu hỏi trọng tâm tuyến phố ở đâu, điểm thu hút lớn nhất là gì để khách du lịch trong và ngoài nước phải quay lại. Những nét ẩm thực đặc sắc này cần gắn liền với văn hóa địa phương.
Đơn cử, phố Kỳ Đài Quang Trung có thể tập trung bán các món của người Hoa hay phố Bùi Viện hướng đến phong cách quốc tế, bán đa dạng đồ Tây. Với địa điểm đường sách, có thể kết hợp làm phố ẩm thực và những giá trị liên quan đến sách như ra mắt sách về nấu ăn, tạo khóa học 1 ngày nấu ăn, ẩm thực theo dạng chuyên đề...
Ông Sơn nhìn nhận một số phố ẩm thực gọi là phố nhưng thực chất chỉ là "khu đông người ăn uống". Theo chuyên gia, phố ẩm thực cần có những cửa hàng nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Đồng thời, cần tiến hành buôn bán ngoài trời chứ không chỉ bán trong nhà.
Một số phố ẩm thực ở TP.HCM đang na ná nhau, chưa tạo được điểm nhấn. Ảnh: Chí Hùng. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cho biết TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về phố ẩm thực. Các địa phương tự vận dụng thế mạnh của mình để khai thác thành khu phố ăn uống riêng. Từ đó khiến bức tranh trở nên lộn xộn, có những chỗ không phù hợp.
Chuyên gia nhận định các địa phương cần rút kinh nghiệm quy hoạch phố ẩm thực từ bài học mở tràn lan phố đi bộ. Trước đây, các quận huyện đồng loạt mở ra phố đi bộ mà không bao hàm nhiều giá trị văn hóa, chỉ đơn thuần là nơi đi lại. Điều này dẫn đến phố đi bộ biến thành nơi bán đồ ăn khổng lồ, hoặc thậm chí trở thành phố nhậu, để lại nhiều hệ luỵ xã hội sau này.
"Muốn khai thác thành công phố ẩm thực thì cần nghiên cứu thị hiếu, từ thị hiếu đưa vào quy hoạch. Mỗi tuyến phố khác nhau, nhịp sống khác nhau lại tạo nên phố ẩm thực với văn hóa khác nhau, không thể na ná nhau được", chuyên gia lưu ý.
Quy hoạch có tổ chức
Nhìn vào bức tranh lộn xộn khi quy hoạch phố ẩm thực ở TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định các địa phương cần khảo sát và tính toán kĩ vị trí.
"Vị trí quy hoạch phố ẩm thực cần căn cứ vào khả năng tập trung dịch vụ, không cản trở giao thông, phân bổ hệ thống đủ rộng để giải quyết các vấn đề, có thể trở thành khu trung tâm lớn. Đặc biệt vấn đề vệ sinh và giao thông rất quan trọng", chuyên gia nhận định.
Ông Kỳ cho biết Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam đã đề xuất 3 khu có tiềm năng trở thành phố ẩm thực. Trong đó, khu ẩm thực bình dân là đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và đường Tạ Uyên (quận 5), khu ẩm thực cao cấp là Thảo Điền (TP Thủ Đức).
Chuyên gia cho rằng lãnh đạo địa phương cần tổ chức bài bản, nâng tầm dịch vụ cho phố ẩm thực. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho biết chính quyền cần tổ chức bài bản, nâng tầm phố ẩm thực bằng việc định hướng cả về trang trí lẫn thực phẩm.
Phố ẩm thực cần có sự ưa nhìn, bắt mắt bằng việc quy hoạch theo một tiêu chuẩn như mái che bao nhiêu, màu sắc thế nào, khung trang trí ra sao... Lãnh đạo địa phương cần đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến nhà vệ sinh. Đồng thời, cũng cần xây dựng bãi gửi xe để du khách có chỗ gửi, tránh tình trạng lấn chiếm lề đường.
Vị trí của phố ẩm thực cần đảm bảo các yếu tố như khả năng trở thành nơi tập trung đông người, nhiều hàng quán, không cản trở giao thông.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Vị chuyên gia cho rằng phố ẩm thực không chỉ dành cho dân địa phương, phải làm sao thu hút được khách ngoài khu vực và khách quốc tế thì mới thành công.
Các địa phương có thể truyền thông qua phương tiện đại chúng, sử dụng chéo sản phẩm của nhau để tăng độ nhận diện. Song song đó, tăng các dịch vụ giải trí bên lề như múa lửa ngoài đường, lễ hội giao lưu văn hóa... để người dân có nhiều hoạt động vui chơi hơn thay vì chỉ đến ăn uống.
Góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên khuyến khích nhà đầu tư nhận thầu để tổ chức chuyên nghiệp, biến phố ẩm thực thành điểm đến du lịch thực sự cho du khách.
"Muốn tổ chức thành công, địa phương cần có tiêu chuẩn và quy hoạch bài bản. UBND TP.HCM nên khuyến khích tạo vài khu thu hút du khách, từ đó nhân rộng ra", ông Sơn nói.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.