"Tôi tưởng đường này vốn là phố ẩm thực rồi".
Đó là câu trả lời của nhiều người khi được hỏi về đề án thành lập phố ẩm thực ở đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận).
Ngày 4/10, đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long được Sở Công thương TP.HCM đưa kiến nghị đồng thời báo cáo đến UBND TP.HCM về xem xét chấp thuận chủ trương triển khai.
Phố ẩm thực dự kiến nằm trên tuyến đường Phan Xích Long dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu, các tuyến đường nhánh (mang tên đường hoa), đường Nguyễn Công Hoan và đường Cù Lao. Cổng chính nằm ở đầu đường Phan Xích Long - giao với Phan Đăng Lưu, cổng phụ tại ngã ba đường Trường Sa - Hoa Phượng.
Trước đề xuất mới, nhiều người dân quanh khu vực này và thực khách đến đây vẫn chưa hình dung được sẽ có gì khác biệt khi nơi vốn được coi là con đường ăn uống sầm uất của thành phố trở thành phố ẩm thực, đồng thời họ nêu một số trăn trở.
Phố ẩm thực mới tọa lạc trong khu đông dân cư ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chưa rõ diện mạo mới
Sống hơn 20 năm ở hẻm đường Hoa Sứ (từ đường Phan Xích Long rẽ vào), bà Hoàng Thảo Nhân (55 tuổi) cho biết từ lần cải tạo năm 2002 đến nay phố Phan Xích Long đã "lột xác", thay đổi chóng mặt mà phát triển nổi bật nhất là mảng ẩm thực.
"Thời tôi mới chuyển về đây sống, con đường này còn vắng nhà, vắng người, buôn bán nhỏ lẻ, đường bụi mù. Nay đã sầm uất, đông đúc thế này”, bà Nhân nhớ về quãng thời gian trước.
Với người dân lâu năm như bà Nhân, ý tưởng biến đường Phan Xích Long trở thành phố ẩm thực rất đáng trông đợi. Song, điều khiến bà băn khoăn là quy hoạch thế nào để sinh hoạt của người dân nơi đây không bị ảnh hưởng.
"Tôi mong sẽ không xuất hiện cảnh bát nháo bởi hàng rong, tiếng ồn, khói xe máy... Hơn nữa, vấn đề an ninh cũng cần được quan tâm hơn khi con phố càng thu hút đông người", nữ cư dân nêu ý kiến.
Thường xuyên tới Phan Xích Long để ăn uống, anh Hữu Lương (26 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) cho hay con đường vốn được nhiều người biết đến là một địa điểm ăn uống với đa dạng lựa chọn. Chính vì thế, anh mong đợi diện mạo mới, sự khác biệt của phố ẩm thực tương lai. Ngoài ra, vấn đề đi lại tại phố ẩm thực cũng được anh quan tâm.
“Tôi mong mình được đi bộ, dạo phố, tham quan trong một khu phố ẩm thực nhưng không phải là vừa đi, vừa né xe cộ qua lại”, anh Lương nói.
Băn khoăn của anh Lương tương tự nhiều khách hàng từng trải nghiệm dịch vụ tại đây, khi cho rằng vỉa hè đã chật kín mà đi bộ dưới lòng đường lại không thể chủ động giữ an toàn.
Như vậy, tương lai của phố Phan Xích Long vẫn còn là dấu hỏi với nhiều người. Hiện tại, người dân vẫn chờ phương án chính thức của thành phố về việc đi bộ hay đi xe trong khu phố ẩm thực.
“Tôi không rõ khách du lịch vào phố sẽ đi bộ hay đi xe. Làm gì miễn không để xảy ra tình trạng kẹt xe, người dân đi lại thuận tiện là được. Nếu có ngăn đường thì cư dân cần phải biết sẽ di chuyển theo tuyến đường nào khác”, anh Lương thắc mắc.
Theo ghi nhận, đường Phan Xích Long dài khoảng 1 km với hơn 300 hộ kinh doanh ẩm thực, dịch vụ. Nơi đây quy tụ đầy đủ dịch vụ về giáo dục, y tế, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ẩm thực, chung cư, trung tâm thể hình, karaoke giải trí…
Cùng với đó, đây là trục giao thông quan trọng của quận, lượng phương tiện lưu thông lớn.
Đường Phan Xích Long và các đường nhánh xung quanh là nơi quy tụ nhiều cửa hàng ẩm thực, nhất là các thương hiệu lớn và theo chuỗi. Ảnh: Quỳnh Danh, Thiên Hân, Đào Phương. |
Lo thiếu chỗ để xe
Anh Nguyễn Bảo (42 tuổi), quản lý một quán bún đậu, vừa tất bật nhận đơn vừa sắp xếp chỗ ngồi đón khách. Theo anh, phố ẩm thực sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy kinh doanh.
“Qua mùa dịch Covid-19, cửa hàng của tôi cũng chỉ kinh doanh cầm cự chứ chưa khởi sắc nhiều. Hy vọng khi mở phố ẩm thực, có sự quan tâm, định hình và phát triển rõ ràng thì khách du lịch sẽ được thu hút”, anh Bảo bày tỏ.
Điều khiến người đàn ông này đắn đo là việc sắp xếp chỗ để xe trước hiện trạng vỉa hè đều chật kín vì quỹ đất hạn hẹp mà lượng phương tiện quá nhiều.
“Với lượng khách hiện tại, nhiều cửa hàng vẫn thiếu chỗ để xe cho khách chứ đừng nói tới khi mở phố ẩm thực”, anh Bảo nói.
Xe của khách vào hàng quán gửi chật kín vỉa hè trên đường Phan Xích Long vào tối trong tuần, thậm chí phải gửi nhờ mặt bằng ở các khách sạn, hầm tòa nhà hết giờ làm việc. Ảnh: Tâm Linh. |
Theo đề xuất, điểm đậu xe 2 bánh là phần vỉa hè, sân trống nhà dân và doanh nghiệp, câu lạc bộ thể dục thể thao Rạch Miễu. Đối với ôtô, khách phải trả phí tại một điểm đậu xe trên đường Hoa Phượng.
Tuy nhiên, ghi nhận chiều tối ngày thường trước Trung tâm thể thao Rạch Miễu, lượng xe khách gửi vào một quán cà phê chiếm 2 hàng, kín vỉa hè và lòng đường đối diện (trước cổng trung tâm thể thao).
“Giờ cao điểm, khách đông, chúng tôi còn phải để nhờ xe trước cửa nhiều nhà dân bên cạnh”, bảo vệ quán cà phê cho biết.
Vì vậy, khi biết trong đề xuất làm phố ẩm thực Phan Xích Long có phương án giữ xe, những hộ kinh doanh kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề thiếu chỗ để xe hiện tại.
Ngoài ra, phố ẩm thực sẽ tổ chức hoạt động xe điện phục vụ đưa đón khách từ điểm gửi xe đến các nhà hàng, tham quan phố ẩm thực với chiều dài khai thác 1.000-1.400 m; cự ly các trạm 250-300 m.
Đồng thời, xe điện cũng được sử dụng để kết nối bến thuyền du lịch và tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với phố ẩm thực Phan Xích Long.
Các con đường dự kiến làm phố ẩm thực ở quận Phú Nhuận. Ảnh: Google Maps. |
Đường Phan Xích Long cùng với 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối liền quận Phú Nhuận với các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Bình Thạnh. Ngoài đường bộ, người dân có thể di chuyển bằng thuyền trên kênh. Vị trí khu phố này cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 15 phút đi taxi, nằm đoạn giữa trục đường kết nối sân bay với các quận trung tâm.
Phố ẩm thực dự kiến được tổ chức với nguồn kinh phí là 31 tỷ đồng, trong đó 1,7 tỷ từ ngân sách và gần 11 tỷ đồng từ người dân và doanh nghiệp tham gia, còn lại là doanh nghiệp hợp tác đầu tư khai thác.