Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mô hình xe lửa 'độc' tại Sài Gòn

Đoàn tàu mô hình chở hàng và hành khách của một nghệ sĩ guitar có thể nhả khói chạy trên đường ray đi qua nhiều khu vực có phong cảnh đẹp như thật như đồng cỏ, thác nước, hầm, cầu.

Nguyễn Văn Được (nghệ danh Lý Được) từ nhỏ được cha (làm trong ga) thường cho lên tàu chơi, tiếng đầu máy xe lửa đã mê hoặc ông. Đồ chơi đầu tiên của ông là 2 xe lửa mô hình diezel và hơi nước do Đức sản xuất năm 1991 được mua với giá 200.000 đồng. Đến nay nghệ sĩ đã có bộ sưu tập khổng lồ với hơn 150 đầu máy và hơn 250 toa tàu, được ông trưng bày cẩn thận quanh phòng khách trong căn nhà nhỏ trên đường Cô Bắc, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Bộ sưu tập này có nhiều loại khác nhau, từ đầu máy chạy bằng hơi nước, than, diezel cho đến bằng điện. Tuy là mô hình nhưng các chi tiết của chúng không khác gì tàu thật, được ông tìm mua trong những lần đi diễn ở châu Âu, hoặc nhờ bạn bè mua từ Mỹ, Nhật Bản,...
Theo ông, chơi mô hình xe lửa thì phải có sa bàn cho tàu chạy. Năm 1996, nghệ sĩ bắt tay vào nghiên cứu cách làm sa bàn để những chiếc đầu máy, toa xe lửa không phải là mô hình lặng lẽ. Sau 6 tháng xây dựng, ông đã có một sa bàn dài 3m, rộng 2,4m để thỏa mãn thú đam mê.
Nhiều chi tiết trong sa bàn ông Được phải nhờ người mua từ nước ngoài, như đường ray mua từ Mỹ; nhà cửa, cầu cống mua ở Đức...
Trung tâm của sa bàn là nhà ga theo phong cách Âu - Mỹ với nhà chờ, cột đèn, hành khách trên sân ga. Ông Được cho biết, đây là nhà ga ông mua ở Đức và về tự lắp ráp.
Nhà ga được thiết kế có tàu đến, tàu đi, hành khách lên xuống, nhân viên điều khiển tín hiệu, sửa chữa đường ray trông giống như một nhà ga đang hoạt động.
Trong sa bàn có 3 nhà kho với 6 gian chứa đầu tàu, vừa để chứa vừa dùng để sửa chữa. Ông có thể điều khiển các đầu máy này ra vào kho.
Trên sa bàn, nghệ sĩ còn thiết kế hầm và đèo Hải Vân bằng xi măng và Cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Tàu chạy qua đồng cỏ, dòng sông, thác nước...
Các toa tàu chở nhiều hàng hóa khác nhau như gỗ, container, than... trông rất sinh động.
Tín hiệu đèn được bật sáng khi tàu chạy qua.
Để vận hành các đầu máy cần phải có bộ điều khiển bằng tay và hệ thống điện kết nối dưới sa bàn. Theo ông Được, việc điều khiển nhiều đầu máy chạy cùng lúc khá dễ.
Một đoàn tàu uốn lượn, chạy qua chiếc cầu sắt.
Nghệ sĩ Lý Được chia sẻ: "Tôi đam mê thú chơi này từ nhỏ. Tuy tốn nhiều công sức, tiền bạc, nhưng sau những giờ biểu diễn, làm việc căng thẳng về đến nhà nhìn những đoàn tàu nối đuôi nhau chạy xình xịch rất thú vị. Tôi có thể ngồi cả ngày chỉ để xem tàu chạy mà không chán”. 
Hàng ngày, ông cẩn thận chăm chút cho bộ sưu tập của mình. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nghệ sĩ Lý Được là Người sưu tập mô hình xe lửa nhiều nhất Việt Nam.

Ảnh: Lê Quân - Clip: Văn Trương

Bạn có thể quan tâm