Trong bối cảnh Covid-19 diễn tiến phức tạp, Quảng Ninh thực hiện giãn cách xã hội như nhiều tỉnh, thành khác. Điểm khác biệt là địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ trong trao đổi và xử lý văn bản. Nhờ đó, tính đến tháng 8, Quảng Ninh giải quyết 99% hồ sơ đúng hạn.
Chính quyền xích lại gần dân
Theo ông Tạ Đức Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, dù từ đầu năm đến nay dịch bệnh căng thẳng, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân được các cơ quan thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Cộng đồng doanh nghiệp hài lòng và đánh giá cao công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Kết quả này có được là nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng và bài bản của tỉnh cho hệ thống chính quyền điện tử. Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động, Quảng Ninh đã thực sự đặt người dân làm chủ thể cải cách hành chính.
Quảng Ninh tích cực ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý. |
Đây là địa phương đi đầu cả nước khi quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử từ năm 2012, với khâu đột phá là thành lập trung tâm hành chính công các cấp, nhằm tiết giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và người dân.
Đến nay, thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh trung bình giảm 45% so với quy định của Trung ương. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.
Mỗi năm có trên 50.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Hơn 1,2 triệu văn bản được trao đổi bằng văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng kết nối trên 900 đơn vị trong tỉnh.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, 73/92 kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hỗ trợ về thuế, phí, vốn đầu tư, nguồn nhân lực... đã được giải quyết.
Quảng Ninh quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh vừa là “hiện tượng” đột phá để các tỉnh, thành khác trên cả nước học tập, vừa mang chính quyền xích lại gần dân.
Trên thực tế, năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở cả 4 chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và SIPAS (chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước).
Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) của Quảng Ninh cũng có 3 năm liên tiếp nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu.
Cùng nỗ lực vượt qua đại dịch
Nhờ việc triển khai hiệu quả mô hình chính quyền điện tử, Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, kể cả trong điều kiện đại dịch.
Trong năm 2020, Quảng Ninh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% cùng kỳ. Trong đó, có 28 dự án FDI với số vốn đăng ký tăng 84,5%, đạt 526,2 triệu USD. Đồng thời, toàn tỉnh ghi nhận 2.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh tạo đòn bẩy để Quảng Ninh thu hút đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bước sang năm nay với 2 đợt dịch nặng nề, nhờ áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ, tỉnh tiếp tục thu hút gần 27.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh chỉ trong vòng 8 tháng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Những nguồn vốn này là minh chứng rõ nhất cho niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền tỉnh.
Chia sẻ với Zing, ông Đào Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Hà và Texhong Ngân Long, cho rằng với kinh nghiệm và sự quyết tâm của chính quyền, tỉnh Quảng Ninh sẽ giữ vững địa bàn, đảm bảo hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.