Từ khi cửa mới Lạch Giang đưa vào sử dụng, hàng trăm hộ ngư dân xã Lộc Vĩnh hoang mang khi đường mưu sinh ra biển gặp nhiều trở ngại, hiểm nguy, bởi cửa biển nhân tạo vừa được khơi mở đã bị bồi lắng nghiêm trọng.
Rạng sáng một ngày tháng 12/2015, hai chiếc thuyền máy của ngư dân Phan Định và Phạm Hiền (thôn Bình An 2, Lộc Vĩnh) vừa xuất bến ra khơi đánh bắt cá thì bất ngờ mắc cạn ở cửa Lạch Giang.
Chưa kịp thoát ra khỏi dòng lạch cạn trơ cát, hai con thuyền gỗ nhanh chóng bị sóng to đánh lật úp, gây hư hỏng nặng, 10 ngư dân may mắn bơi được vào bờ thoát nạn trong giá rét.
Theo ngư dân Lộc Vĩnh, hàng loạt sự cố sông nước mà bà con nơi đây gặp phải thời gian qua khi đi qua cửa biển mới Lạch Giang, như thuyền bị mất kiểm soát lái, gãy chân vịt, quẹo bánh lái...
Ngư dân đang cứu nạn một vụ đắm thuyền tại cửa biển nhân tạo Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh). |
Bà con cho rằng, nguồn cơn của hàng loạt tai nạn, sự cố kể trên xuất hiện dồn dập kể từ khi Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tiến hành đầu tư xây dựng trục đường mới ra cảng biển Chân Mây vào năm 2014, với chiều dài gần 2 km.
Để thực hiện công trình đường bộ, đơn vị thi công đã lấp đi một phần cửa biển Chu Mới, nơi tàu thuyền của ngư dân Lộc Vĩnh dùng để vào ra biển đánh bắt cá, trú tránh mưa bão dựa theo dòng chảy tự nhiên suốt bao đời nay.
Sau khi cửa Chu Mới bị thu hẹp, tàu thuyền không thể đi qua, cơ quan chức năng chỉ đạo mở mới một cửa biển nhân tạo gần bên mang tên Lạch Giang để thay thế.
Ngư dân địa phương phân tích, cửa biển Chu Mới trước đây thuộc hướng Bắc, hình thành dựa vào dòng chảy tự nhiên, nằm ở vị trí kín gió. Tàu thuyền vào ra đánh bắt cá, trú tránh mưa bão tại cửa biển cũ rất an toàn, dù gặp sóng to gió lớn, hay thủy triều bất thường.
Còn vị trí cửa Lạch Giang hiện nay ở hướng đông, thường chịu tác động trực tiếp của dòng triều ven bờ, lại không có kè chắn sóng nên xảy ra tình trạng xâm thực biển, bồi lắng cát ngay khi vừa đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, kể từ sau cơn bão số 3 (tháng 9/2015), cửa Lạch Giang bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng. Kể từ đó, tàu thuyền ngư dân vào ra cửa biển nhân tạo này liên tục gặp nạn. Nhiều phương tiện đánh bắt hải sản như bị “nhốt” ở phía trong bến bờ neo đậu.
Trước tình trạng trên, UBND xã Lộc Vĩnh đã kiến nghị Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sớm khơi thông cửa Lạch Giang, kết hợp xây kè chắn sóng nhằm khắc phục tình trạng bồi lắng, sạt lở. Mới đây, xã tiếp tục gửi tờ trình đến UBND tỉnh phản ánh thực trạng nguy hiểm và những khó khăn của ngư dân.
Tuy nhiên, yêu cầu của chính quyền và nhân dân Lộc Vĩnh vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền đáp ứng. Xã Lộc Vĩnh cho rằng, ngoài những ảnh hưởng lâu dài về kinh tế biển của bà con ngư dân, việc chậm khắc phục nạn bồi lắng có thể dẫn đến khả năng hình thành tự nhiên thêm một cửa biển mới.
Đến lúc đó, mối nguy hiểm khôn lường như mất đất, trôi nhà, chia cắt xóm làng đến từ biển sẽ còn ảnh hưởng rộng đến hơn 4.000 dân của xã.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quê, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho biết, do ảnh hưởng của dòng ven, cơ quan này đang nhờ một đơn vị tư vấn chuyên ngành nghiên cứu, đánh giá thực trạng xâm thực, bồi lắng của cửa biển để có hướng xử lý phù hợp trong thời gian tới.
Mới đây, xã tiếp tục gửi tờ trình đến UBND tỉnh phản ánh thực trạng nguy hiểm và những khó khăn của ngư dân. Tuy nhiên, yêu cầu của chính quyền và nhân dân Lộc Vĩnh vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền đáp ứng.