Đông đảo công chúng đã đến thăm Trung tâm Dikan vào ngày mở cửa. Ảnh: The Guardian. |
Ngoài việc sở hữu kho tàng ảnh, sách lớn, thư viện này, được đặt tên là Trung tâm Dikan, cũng có một studio chụp ảnh và các không gian lớp học, hội thảo, đồng thời có chương trình học bổng dành cho các nhà làm phim tài liệu và nghệ sĩ thị giác châu Phi.
Không gian triển lãm tại đây sẽ được dùng để tổ chức các chương trình thường xuyên và chương trình đầu tiên sẽ là giới thiệu tác phẩm của Ahennie, cố nhiếp ảnh gia tài liệu người Ghana Emmanuel Bobbie (còn được gọi là Bob Pixel), người đã qua đời vào năm 2021.
Xuất phát từ ý tưởng của nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim người Ghana Paul Ninson, thư viện này lưu giữ hơn 30.000 cuốn sách mà ông đã sưu tập.
Rất nhiều sách về tác phẩm của các nhiếp ảnh gia da màu được giới thiệu tại đây, chẳng hạn Gordon Parks, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên có vị trí nhân viên tại tạp chí Life và nhiều cuốn sách hiếm, bao gồm một tác phẩm từ năm 1852 có chữ ký của Stephen Hill, Thống đốc của Gold Coast - Ghana hiện nay.
Ninson bắt đầu sưu tập sách ảnh từ khi đi học tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ở New York. “Tôi bắt đầu mua sách ảnh châu Phi với ý tưởng chia sẻ chúng với các nhiếp ảnh gia trẻ ở quê nhà. Nhưng khi bộ sưu tập của tôi ngày càng nhiều, tôi chợt nhận ra rằng mình có thể tạo một thư viện dành riêng cho nhiếp ảnh và giáo dục thị giác. Vì vậy tôi bắt đầu liên hệ với những người bán sách để có thể nhận sách họ quyên góp. Tôi cũng nhận được sự đóng góp từ các phòng trưng bày và nhà sưu tập tư nhân”, Ninson nói.
Nhà sáng lập Paul Ninson muốn đóng góp cho di sản nhiếp ảnh của châu Phi. Ảnh: The Guardian. |
Khu vực Tây Phi có lịch sử lâu đời về nhiếp ảnh với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ trước. Các doanh nhân châu Phi, những người thường làm nhiếp ảnh gia lưu động, như George Lutterodt, người điều hành các studio nhỏ và mở một doanh nghiệp ở Accra vào năm 1876, hay Malick Sidibé và phóng viên ảnh người Ghana James Barnor, người đã thành lập phòng thí nghiệm xử lý màu đầu tiên của Ghana, đã nỗ lực ghi lại những thay đổi về xã hội, văn hóa và chính trị thông qua các tác phẩm của họ.
Tầm nhìn của Ninson đối với Trung tâm Dikan là để tôn vinh lịch sử nhiếp ảnh phong phú của châu Phi và thành tựu của các nghệ sĩ châu Phi, cũng như tạo nguồn cảm hứng và hướng đến mang lại tài nguyên cho các nhiếp ảnh gia mới nổi.
Rita Mawuena Benissan, một nghệ sĩ người Mỹ gốc Ghana kiêm người sáng lập Si Hene, một tổ chức phi lợi nhuận thu thập các tài liệu lưu trữ kể về lịch sử hoàng gia của Ghana, hoan nghênh việc khai trương trung tâm Dikan.
“Ở một quốc gia không có tài liệu lưu trữ để mọi người tham khảo lại lịch sử của họ, việc tìm hiểu lịch sử rất khó khăn. Khi bạn có thể có một nguồn để tìm kiếm, công việc đó sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tôi rất phấn khích và nóng lòng muốn đến thăm Dikan”, Rita bày tỏ.
Nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim tự học người Ghana David Nana Opoku Ansah cũng cho biết Trung tâm này sẽ “thay đổi mọi thứ” đối với các nhiếp ảnh gia mới nổi. “Cho đến bây giờ, tôi thường phải tìm kiếm hầu hết tài liệu nghiên cứu trên Internet. Trung tâm này sẽ là một kho báu cho những người làm hình ảnh như tôi vì mang lại cơ hội đào sâu nghiên cứu và tạo ra nhiều tác phẩm có ý nghĩa hơn, trường tồn với thời gian”, David nói.