Tại Nhật Bản vào giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, đã có hàng nghìn gia đình sống trong cảnh mất đi người đàn ông trụ cột vì phải ra chiến trường. Mùa xuân năm 1944, khi cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu được ba năm, thì cha của tác giả Nakamoto Teruo, khi ấy 36 tuổi, bị triệu tập vào chiến tranh.
Sự vắng mặt của người cha đã khiến gia đình nhà Nakamoto rơi vào những ngày khó khăn, khi người mẹ vốn yếu ớt phải đứng ra làm trụ cột, chăm lo cho 6 đứa con nhỏ. Đó là những ngày tháng cùng cực, nhưng ít ra họ vẫn còn hy vọng. Hy vọng sự trở về của người cha.
Cho đến khi chiến tranh kết thúc được hai tuần, tin báo tử mới đến. Và tiếp sau đó, là sự ra đi của người mẹ. Bỏ lại cuộc sống cho một ngôi nhà chỉ còn 6 đứa trẻ con. Và cứ như thế, tác giả Nakamoto Teruo đã tái dựng lại một ký ức buồn thương của những con người nghèo khổ, những nghị lực mạnh mẽ của con người trong mất mát và nghèo khó.
Những hình ảnh mà Nakamoto Teruo gợi tả trong cuốn sách, có lẽ dễ khiến độc giả liên tưởng đến một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật là Mộ đom đóm của đạo diễn Takahata Isao, sản xuất năm 1988. Bộ phim chính là một hình ảnh khốc liệt chân thật nhất về sự tàn ác của chiến tranh. Những đứa trẻ mất cha mẹ, những đứa trẻ chết đói, và những bóng ma dật dờ, như một hình ảnh ghim chặt trong tâm tư con người trong hình dung về chiến tranh.
Nhưng hơn hết, ở giữa những đau thương đó, Nakamoto Teruo đã viết nên một hành trình tìm kiếm phi thường và cảm động của một người con.
Tác phẩm Mộ bia giữa biển của nhà văn Nakamoto Teruo. |
Trong cuốn sách của mình, Nakamoto Teruo đã vượt lên mọi khó khăn ngăn cản để cuối cùng cũng tìm ra được nơi người cha thực sự nằm lại, để làm một cuộc đưa tiễn thật sự, cầu mong sự yên bình cho người cha vĩnh viễn không còn được trở về quê hương.
Vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, chính là điểm cuối của cuộc tìm kiếm, của một hành trình dai dẳng suốt mấy chục năm trời. Và giây phút cuối cùng, khi đến được đúng nơi cha nằm lại, Nakamoto Teruo lần đầu tiên trong đời đã được thanh thản sau những năm suy tư, đau đớn kiếm tìm một di ảnh cuối cùng của người cha.
Nakamoto Teruo không phải một nhà văn, ông chỉ là một người đàn ông bình thường sống tại nước Nhật. Ông mang trong mình những ám ảnh khôn nguôi về di ảnh cuối cùng của người cha, về một thời chiến tranh khốn khó, và vì vậy ông viết, ông viết để tưởng niệm cha, và để ghi nhớ về cuộc hành hương đầy khổ nhọc.
Nhưng cuốn sách của ông, không đơn giản chỉ là chuyện cá nhân ông, không phải là chuyện của riêng ai, nó là câu chuyện chung mà có lẽ mỗi người dân của không chỉ nước Nhật, mà ở bất kỳ đất nước nào đã từng trải qua chiến tranh trên thế giới đều có thể gặp gỡ, và đồng cảm. Nó mang trong mình hơi thở của lịch sử.
Đó là cái chết, là đói nghèo, là tàn bạo, là đau thương.... Đó là khuôn mặt của chiến tranh, khuôn mặt khiến loài người khiếp sợ, nhưng tại sao chiến tranh vẫn diễn ra? Cuốn sách như một tiếng thì thầm nhỏ bé của một tâm tư đầy trăn trở, đầy day dứt, của một “nỗi niềm riêng”, nhưng có lẽ, độc giả hôm nay, chúng ta có thể lắng nghe, bằng một lòng đồng cảm trân trọng.
Trong cuốn sách của mình, Nakamoto Teruo đã viết lên một bài ca phản chiến, vừa đau đớn vừa chân thành. Đồng thời, bằng cách kể chuyện đơn giản, chân thật, Nakamoto Teruo đã tạo dựng được một bầu không khí cảm động đẹp đẽ về con người, nhưng người đã giúp đỡ ông, ủng hộ ông trong cuộc hành hương về nơi người cha nằm lại.
Ở đó, trong tấm lòng của những con người ấy, cuộc chiến tranh dường như đã lùi xa, dù Nhật Bản hay Việt Nam, cũng đã bắt đầu tiếp tục sống. Quá khứ dường như đã ngủ yên, nhưng những mất mát vẫn còn ấy. Con người dẫu đang cố gắng hàn gắn vết thương, nhưng nó vẫn tồn tại, trong sâu cùng của tâm trí những người từng trải qua. Tác phẩm trở thành một câu chuyện sâu sắc mang tính cộng đồng, cũng bởi những tầng nghĩa tinh tế và ẩn kín ấy.
Thông qua câu chuyện, độc giả cũng được biết thêm một số tư liệu lịch sử mà cho đến bây giờ người Việt Nam vẫn chưa biết rõ: Việt Nam cũng là một chiến trường trong chiến tranh Thái Bình Dương.
Số lượng tàu chìm và binh sĩ Nhật Bản hy sinh ngoài khơi Việt Nam cũng không ít. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên nhắc đến những binh lính Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai hy sinh ở Việt Nam, một chủ đề còn khá mới không chỉ ở riêng Việt Nam mà ngay cả ở Nhật Bản nữa. Và tác giả Nakamoto Teruo đã nhận được giải thưởng khích lệ cho tác phẩm này.
Cuốn sách được dịch giả Hoàng Long, chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Nhật. Không chỉ có những trải nghiệm giàu có khi dịch những tác phẩm nổi tiếng của văn chương Nhật Bản, Hoàng Long còn là một người thấu cảm và mến yêu tâm tư của con người Nhật, nên bản dịch tiếng Việt này dù được viết bằng lối văn riêng tư giản dị, nhưng cũng toát lên không khí khơi gợi thi vị vốn có của văn chương Nhật Bản.
Đây là một bản dịch có khả năng làm bật lên những rung động mạnh mẽ của tâm hồn con người, đồng thời khiến cho độc hoàn toàn bị thuyết phục.