Một trong những mảnh ký ức đáng nhớ nhất là lúc nài nỉ ba cho tập luyện cùng đội bóng của ông ở Pháp. Hồi đầu thập niên 1980, khi tôi còn chưa sinh ra, ba thi đấu cho một CLB của giải vô địch bóng đá Liên Xô. Ông là tiền đạo cừ khôi, người ông nhỏ, chạy rất nhanh và giỏi luồn lách. Năm 1984, tạp chí Soviet Soldier trao giải “Kỵ sĩ tấn công” cho cha tôi – ông Hamlet Mkhitaryan.
Ảnh hưởng của người cha
Năm 1989, khi tôi mới chào đời chưa lâu, quê nhà Armenia xảy ra xung đột khiến cả gia đình phải khăn gói đến Pháp. Cha thi đấu 5 năm cho đội bóng Valence ở giải hạng hai. Ngày nào cũng thế, cứ lúc cha rời khỏi nhà đi tập luyện là tôi khóc nức nở. Năm 4 tuổi, tôi thường xuyên mè nheo: “Bố, cho con đến sân tập bóng với bố. Đi mà, đi mà”.
Một ngày nọ, tôi lặp lại bài ca nhõng nhẽo muôn thuở. Ông vỗ về: “Không, hôm nay được nghỉ, Henrikh con ơi. Ba đến siêu thị mua đồ và sẽ về ngay”.
Hóa ra ông trốn đi tập bóng. Thế mà tôi cứ đợi, đợi hoài.
Mấy tiếng sau, ông quay về. Trên tay chẳng có túi đồ nào cả.
Tôi gào lên, nước mắt giàn giụa: “Ba nói dối. Ba không đi siêu thị. Ba trốn con đến sân tập”.
Ông Hamlet Mkhitaryan cùng con trai Henrikh và con gái Monika. |
Những năm tháng ở bên cạnh ba thật ý nghĩa nhưng cũng thật quá đỗi ngắn ngủi. Năm tôi lên sáu, mẹ tôi nói cả nhà sẽ trở về quê hương Armenia. Tôi không thực sự hiểu chuyện gì xảy ra lúc đó. Ba tôi giải nghệ, ông ở nhà suốt ngày.
Ba bị u não. Một năm sau ngày phát hiện bệnh tình, ba bỏ tôi mà đi. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Nhưng vì còn quá nhỏ, tôi không hoàn toàn định nghĩa được khái niệm về cái chết.
Mẹ và chị gái của tôi khóc suốt ngày. Chẳng ai trả lời cho đứa trẻ Henrikh Mkhitaryan khi nó hỏi: “Cha của con đâu rồi?”.
Thời gian trôi qua, mẹ bắt đầu giải thích về chuyện đã xảy ra. Bà nói: “Henrikh con ơi, bố con sẽ không bao giờ sống bên cạnh chúng ta nữa”.
“Không bao giờ? Đối với một đứa trẻ bảy tuổi, không bao giờ là quá lâu”, một suy nghĩ lóe lên trong đầu.
May thay, gia đình lưu giữ nhiều video các trận đấu có mặt danh thủ Hamlet Mkhitaryan. Mỗi tuần tôi xem lại khoảng 2-3 lần để nhớ về ông. Nó mang đến nhiều niềm vui, đặc biệt khi thấy ông ăn mừng bàn thắng hay ôm chầm lấy đồng đội.
Ông sống mãi trong những đoạn video.
Một năm sau ngày cha mất, tôi bắt đầu tập bóng đá. Người cha quá cố là thần tượng, là ngọn đuốc soi đường chỉ lối. Tôi tự nhủ với bản thân: “Mình phải chạy nhanh như ông ấy, mình phải sút hiểm như ông ấy”.
Năm 10 tuổi, không khí bóng đá tràn ngập cuộc sống của tôi, len lỏi vào mọi ngóc ngách trong thời gian biểu. Nếu thời gian là một chiếc cốc, tôi lấp đầy khoảng trống bên trong bằng cách nhét đá to vào (tập luyện), nhét đá nhỏ (đọc sách túc cầu), đổ cát (xem bóng đá) rồi đổ nước (chơi game bóng đá trên Play Station). Tôi toàn tâm toàn ý tập trung cho môn thể thao vua. Tôi yêu mến những bậc thầy kỹ thuật như Kaka, Zidane và Hamlet (bố tôi).
Trưởng thành nhờ bàn tay chăm sóc của mẹ
Cuộc sống lúc này có đôi chút khó khăn. Thân mẫu phải đóng vai cả cha lẫn mẹ. Bà đôi khi phải mềm dẻo như người mẹ dịu hiền, đôi lúc lại cứng rắn như người cha nghiêm khắc.
Một ngày nọ, trở về từ buổi tập, tay chân tôi rã rời mỏi mệt. Tôi nói với mẹ: “Con muốn từ bỏ”.
Bà động viên: “Con đừng bỏ cuộc. Con phải tập luyện chăm chỉ, nghe con. Ngày mai trời lại sáng”.
Sau khi cha tôi mất, mẹ từ vị trí một bà nội trợ phải đi tìm việc để nuôi gia đình. Bà xin được công việc ở Liên đoàn Bóng đá Armenia. Đến giờ thì bà đã làm một giám đốc của Liên đoàn còn chị gái Monika đang làm việc cho Liên đoàn Bóng đá châu Âu, thậm chí từng giữ chức trợ lý của cựu Chủ tịch Michel Platini.
Tôi được lên chơi cho tuyển trẻ nước nhà. Có đôi chút bất tiện khi mẹ kè kè giám sát. Nếu tôi có hành động quá giàu cảm xúc thì ngay sau trận đấu, bà sẽ tới thị phạm.
Một ngày nọ, bà gặp riêng và nhắc nhở: “Này Henrikh, con làm gì thế? Con phải cư xử đúng mực nếu không thì công việc của mẹ sẽ gặp rắc rối lớn”.
Tôi phân trần: “Nhưng mẹ ơi, họ chơi xấu với con. Họ…”
“Không. Con phải luôn luôn có thái độ lịch sự”, mẹ ngắt lời.
Mkhitaryan (giữa) thời trẻ con. |
Vắng cha thì mẹ và chị trở thành những người thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp của Mkhitaryan. Họ thậm chí còn cho phép cậu nhóc 13 tuổi tự đi sang Brazil 4 tháng để tập huấn cùng Sao Paulo. Đấy là trải nghiệm thú vị bậc nhất cuộc đời, bởi lúc ấy tôi còn là cậu nhóc Armenia nhút nhát không biết một chút tiếng Bồ Đào Nha nào. Nhưng tôi không sợ, bởi vì mình được dấn thân đến thiên đường bóng đá.
Tôi yêu vô cùng phong cách chơi bóng của các tiền bối Kaka, Ronaldinho, Ronaldo… Ở Brazil người ta gọi phong cách này là jogo bonito, hoặc ginga. Giữa chuyến phiêu lưu tới Brazil, tôi bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha.
Tôi ở cùng phòng với hai đồng hương Armenia. Khi dọn về phòng, chúng tôi thấy có một anh bạn người Brazil đã sống ở đây. Anh ấy mảnh khảnh, mang mái tóc màu đen.
Anh giơ tay chào bằng tiếng Bồ Đào Nha: “Bom dia! Meu nome é Hernanes” (Xin chào, tên tôi là Hernanes). Cái tên Hernanes hẳn rất thân quen phải không. Anh ta chính là tiền vệ Hernanes đang chơi cho câu lạc bộ Juventus.
Sân tập bóng như ngôi nhà thứ hai. Ăn uống, tập luyện và trêu đùa nhau ở đó. Chúng tôi không có Play Station, chỉ có tivi. Mấy tuần đầu thật khổ sở vì chưa thể giao tiếp với các đồng đội Brazil. Họ chỉ nói gì đó rồi cười và vỗ nhẹ vào lưng tôi. Người Brazil nồng ấm. Rất khó để diễn tả, có lẽ bạn phải trực tiếp cảm nhận.
Thật may, trong các buổi tập và thi đấu, mọi người giao tiếp bằng ngôn ngữ bóng đá toàn cầu. Tôi và các đồng đội gắn bó khăng khít hơn nhờ giao thiệp sáng tạo trên sân bóng. Lúc ghi được vài bàn thắng, tôi mừng thầm: “Wow, một đứa trẻ Armenia ghi bàn trên đất Brazil. Thật tuyệt vời. Cảm giác lúc ấy như siêu sao”.
Sau 3 tháng, nhờ Hernanes trợ giúp, Mkhitaryan có thể nói tiếng Brazil tương đối tốt. Đổi lại, anh hướng dẫn bảng chữ cái tiếng Armenia cho Hernanes”.
Phương pháp tập luyện ở Brazil rất khác so với Armenia. Tại quê hương của tôi, đối với lứa trẻ, người ta chú trọng tập thể chất hơn tập kỹ thuật. Brazil ngược lại, họ coi trọng các bài kỹ thuật với bóng. Điểm khác biệt này khiến tôi cực kỳ thích thú.
Cầu thủ sẽ tập 45 phút, nghỉ giải lao 15 phút, ăn trái cây, uống nước hoa quả rồi quay trở lại tập tiếp 45 phút. Họ rèn luyện say mê và nỗ lực. Nếu không sở hữu một trái bóng, họ sẽ cuộn tất chân thành bó để tập. Giờ tôi đã hiểu vì sao Brazil lại sản sinh nhiều tài năng như vậy. Họ cực kỳ đam mê bóng đá.
Từ Armenia, mẹ gọi cho tôi liên tục, có lẽ hầu như mọi ngày. Khổ nỗi, chiếc điện thoại duy nhất có thể gọi đi quốc tế nằm ở phòng làm việc của ngài giám đốc. Mỗi buổi sáng, thư ký hớt hải chạy xuống sân tập và nói nhỏ với tôi: “Mẹ cậu vừa gọi đấy”.
Tôi phải guồng chân hết tốc lực về phòng của giám đốc.
Mẹ bắt đầu tràng câu hỏi: “Thế nào cậu bé của mẹ? Đồ ăn ổn không? Con ăn được nhiều không”.
Tôi đáp: “Mẹ, con đang tập luyện. Mẹ gọi vào chủ nhật nhé”.
Quãng 4 tháng ăn tập ở Brazil có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp. Trong 4 tháng ngắn ngủi ấy, tôi đã bắt đầu đóng một cái khung về phong cách chơi bóng. Người vẫn mảnh khảnh và thể chất tương đối yếu nhưng tôi đã có kỹ thuật khá tốt. Cảm thấy như Ronaldinho của Armenia vậy.
Tôi đang đối mặt với thử thách lớn: loạn ngôn ngữ. Tôi biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Armenia và tiếng Pháp, tiếng Đức. Chúng “ẩu đả” lẫn nhau trong bộ não của tôi. Bây giờ còn nói tiếng Anh thường xuyên, nên rất xin lỗi nếu viết từ gì đó nhầm lẫn hài hước.
Henrikh Mkhitaryan có thể nói 6 thứ tiếng: tiếng mẹ đẻ Armenia, tiếng Pháp được học từ bé, tiếng Anh bắt đầu học khi đá bóng chuyên nghiệp, tiếng Bồ Đào Nha học ở Brazil, tiếng Nga học tại Ukraine và cuối cùng là vốn tiếng Đức học được khi chơi cho Dortmund.
Thăng trầm sự nghiệp, hoàn tất giấc mơ Old Trafford
Năm 20 tuổi, tôi chuyển đến Metalurh Donetsk ở Ukraine và bắt đầu học thêm tiếng Nga cùng tiếng Ukraine. Hai năm sau, khi đầu quân cho Shakhtar Donetsk, mọi người ở đây nhận xét tôi chẳng thành công được đâu, vì trong đội Shakhtar có đến 12 cầu thủ Brazil.
Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười. Thực chất, một nửa con người Mkhitaryan, trên tư cách cầu thủ, là của Brazil. Dĩ nhiên, tôi thi đấu cực ăn ý với đồng đội. Ba năm trong màu áo Shakhtar Donetsk là quãng thời gian tuyệt vời. Tôi lập kỷ lục ghi bàn ở giải Ukraine năm 2013 và khiến những kẻ nghi hoặc phải im tiếng.
Sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine và sân của Shakhtar Donetsk buộc phải đóng cửa, tôi đến nước Đức đầu quân cho Dortmund. Mọi thứ khác xa so với trải nghiệm của tôi, từ ngôn ngữ cho đến văn hóa và bóng đá.
Mùa đầu tiên tại Đức thật tuyệt nhưng năm thứ hai thật tệ. Dortmund thua liểng xiểng và chìm xuống nửa sau bảng xếp hạng. Tôi không ghi bàn, cũng chẳng kiến tạo, đấy là chuỗi ngày tồi tệ của sự nghiệp. Được đưa về bằng bản hợp đồng đắt giá nên tôi đặt nhiều áp lực lên đôi chân mình. Nhiều đêm, tôi giam mình trong căn hộ, không muốn ra ngoài, thậm chí chẳng thiết tha ăn tối. Chỉ ngồi một chỗ ngẫm nghĩ.
Cuộc đời tươi sáng hơn khi gặp Thomas Tuchel. Ông đến gặp và động viên: “Micky, tôi sẽ giúp cậu phát huy hết khả năng”.
Tôi cười lớn. Vì tôi chỉ nghĩ ông ấy đang cố an ủi học trò mà thôi. Nhưng ông ấy nhìn thẳng mắt đối phương và khẳng định: “Tin tôi đi, cậu sẽ xuất sắc trở lại”.
Niềm tin của người thầy có tác dụng thật lớn lao. Tôi bùng nổ trở lại, ghi 19 bàn thắng sau 49 trận, riêng Bundesliga có 11 bàn và 20 kiến tạo. Tôi nhận ra một điều: khi buồn bã, chúng ta chẳng thể nào được ban tặng may mắn. Chỉ khi hạnh phúc, những điều tốt đẹp trên sân cỏ mới đến. Đấy là tâm niệm của người Brazil.
Mùa 2015/16, Dortmund thi đấu bằng lòng nhiệt thành, sự điên rồ và phong cách siêu tấn công. Tập thể áo vàng – đen tận hưởng từng phút trên sân cỏ. Dortmund thường vận hành với sơ đồ dị: 2 hậu vệ, 3 tiền vệ và 5 tiền đạo. Chúng tôi đã thành công. Kể cả khi thua cuộc, Dortmund vẫn vui vẻ.
Mùa hè trước, người đại diện Mino Raiola gọi điện và nói Manchester United đang muốn chiêu mộ. Tôi không thể tin vào tai mình. Đặt chân đến Old Trafford và chơi bóng ở đó thực sự là vinh hạnh.
"Old Trafford không chỉ là sân bóng, đấy còn là sân khấu lớn. Nếu cha tôi có thể nhìn thấy màn trình diễn của con trai mình trên sân khấu Old Trafford, ông chắc hẳn sẽ rất tự hào". Ảnh: Getty. |
Ít ngày sau, giám đốc Ed Woodward gọi điện để xác nhận sự quan tâm của Quỷ đỏ. Trong thời gian Mino Raiola và phía MU thương lượng, tôi có thời gian để cân nhắc các lựa chọn. Liệu có nên rời bỏ vị trí không thể thay thế ở Dortmund để phiêu lưu tới MU. Sau cùng tôi quyết định mạo hiểm một phen. Chàng thanh niên không thể giống ông già ngồi ghế bành đắn đo suy nghĩ được.
Quãng thời gian đầu tại MU thực sự khó khăn như mọi người đã biết. Nhưng tôi sẽ tiếp tục tập luyện chăm chỉ, chiến đấu để có vị trí chính thức. Nếu bạn đề nghị mẹ và chị gái mô tả về người thân của họ bằng một cụm từ thì có lẽ họ sẽ trả lời “cứng rắn”.
Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy mình và người cha có phong cách thi đấu khác nhau. Ông ấy là tiền đạo tốc độ với những cú sút uy lực. Tôi thì thiên về kỹ thuật hơn. Thế nhưng, những người ở quê nhà Armenia khẳng định Henrikh chính là bản sao của bố Hamlet, đặc biệt khi tôi bứt tốc. Họ nói: “Henrikh, vẻ bề ngoài và cách cậu chạy rất giống ông Hamlet. Xem cậu thi đấu làm chúng tôi nhớ ông ấy”.
Rất tiếc, tôi không thể xác nhận câu nói của đồng hương. Xin tiết lộ một chuyện này: tôi chẳng bao giờ xem lại màn trình diễn của mình qua TV. Tôi ghét việc theo dõi bản thân bởi tôi sẽ chỉ nhăm nhăm chú ý đến lỗi sai của mình.
Old Trafford không chỉ là sân bóng, đấy còn là sân khấu lớn. Nếu cha tôi có thể nhìn thấy màn trình diễn của con trai mình trên sân khấu Old Trafford, ông chắc hẳn sẽ rất tự hào.