Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Minh Trang 'Cây táo nở hoa': 'Tôi thường bị nhầm là hot girl mạng'

Chia sẻ với Zing, Minh Trang cho biết dù được đào tạo trong môi trường chính quy, nhiều người vẫn nghĩ cô là hot girl mạng "đá chéo sân" sang diễn xuất.


dien vien minh trang anh 1

Minh Trang đến điểm hẹn đúng giờ, mặc bộ váy dài kín đáo và cài chiếc nơ đầy nữ tính trên tóc. Vẫn với dáng vẻ dịu dàng và điệu đà giống trên phim, cô bỏ túi xách xuống và mở đầu câu chuyện bằng nụ cười.

"Tôi không phải cô tiểu thư ngây thơ như trong phim, cũng không sành điệu như thế. Ngoài đời, bạn bè còn nói tôi ăn mặc giống những bà thím trong phim Hàn", nữ diễn viên nói về dáng vẻ của bản thân, vừa tâm sự vừa chỉ vào bộ váy dáng suông che kín toàn bộ đường cong cơ thể.

Tâm sự về sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều khán giả dành cho vai Trúc trong Cây táo nở hoa, nữ diễn viên sinh năm 1995 cho biết đạo diễn Thạch Thảo đã gọi điện hỏi cô có buồn không. Minh Trang nói: "Tôi không suy nghĩ gì đâu, tôi tôn trọng ý kiến khán giả".

Đóng phim một năm, mỗi tháng đi quay 2 ngày

Nói về phim Cây táo nở hoa - tác phẩm đang giúp Minh Trang nhận được sự chú ý của khán giả, cô cho biết cái khó nhất khi vào vai Trúc là dễ bị trôi cảm xúc, bản thân "tuột" khỏi tâm trạng của nhân vật.

"Vai của tôi là vai phụ, thời gian dài nhất tôi có thể liên tục quay là 7 ngày, còn bình thường mỗi tháng chỉ quay được khoảng 2 ngày thôi. Vì thời gian kéo giãn, cũng ít phải sống với nhân vật nên có nhiều lúc tôi bị tuột khỏi tâm trạng, lối sống của nhân vật Trúc", Minh Trang chia sẻ.

Cô nói thêm về thời gian quay phim: "Thường khi nào mọi người sắp xếp được bối cảnh, hoặc có cảnh quay nhân vật liên quan tới tôi thì tôi mới được diễn. Tổng thời gian quay hết khoảng một năm, nhưng mỗi tháng tôi chỉ được quay hai ngày, có tháng nào nhiều thì bốn ngày.

"Đóng yêu đương với anh Song Luân là khó khăn lớn nhất của tôi đấy"

Nữ diễn viên cho biết nhiều lần cô thậm chí không ghi hình hai ngày liên tiếp, mà chỉ quay xong một cảnh rồi đi về, tối hôm sau di chuyển sang bối cảnh khác để quay tiếp một cảnh rồi lại nghỉ.

Vì không ghi hình nhiều, nên mỗi lần đóng cảnh tình cảm với Song Luân, Minh Trang đều có cảm giác bỡ ngỡ như yêu lại từ đầu. "Đóng yêu đương với anh Song Luân là khó khăn lớn nhất của tôi đấy", cô cười và nói.

"Tôi có vấn đề về đài từ"

Tâm sự thêm về quá trình làm phim, Minh Trang cho biết Cây táo nở hoa là phim đầu tiên cô có cơ hội trực tiếp ngồi nói chuyện riêng, trao đổi và bàn bạc về nhân vật với đạo diễn. "Bình thường, tôi nhận vai và tới buổi thử phục trang, khi đến bối cảnh đạo diễn mới xuất hiện gặp toàn thể diễn viên. Đây là đạo diễn đầu tiên ngồi tập dượt với tôi từng câu thoại một", cô nói.

Đối với vấn đề đài từ kém, thoại "giả trân" trong phim, Minh Trang cho biết giọng nói đều đều, ít biểu cảm của nhân vật Trúc vốn là dụng ý của đạo diễn. Theo nữ diễn viên, đạo diễn Thạch Thảo muốn xây dựng hình ảnh cô tiểu thư nhà giàu có tính cách yếu đuối, thường cảm thấy cô đơn vì mẹ mất sớm và cha không quan tâm.

"Trúc thường e dè sợ hãi, tôi không được nói to để thể hiện tính cách này. Có những đoạn tôi và anh Song Luân phấn khích nên nói hơi to và nhanh quá, chị Thảo (đạo diễn Thạch Thảo) yêu cầu diễn lại vì chệch khỏi định hướng nhân vật. Đạo diễn quay rất kỹ, và mọi người đều hài lòng với âm thanh hiện trường thu được", Minh Trang nói thêm.

''Đây là đạo diễn đầu tiên ngồi tập dượt với tôi từng câu thoại một"

Nhưng đối với những lời chê bai về đài từ và chất giọng khô cứng trong phim, Minh Trang thừa nhận cô cũng cảm thấy khó nghe khi xem lại một số cảnh trong phim. Cô cho rằng giọng của bản thân khá nhỏ và bị khàn nên thu vào micro không được tốt.

"Một người nói có thể bỏ qua, nhưng nhiều người đều nói thì chắc chắn bản thân tôi có vấn đề về đài từ thật. Tôi phải xem kỹ và học lại để tiến bộ trong phim sau. Chị Thảo nhắn tin hỏi thăm tôi nhiều, vì sợ tôi buồn. Không, tôi không buồn. Tôi tôn trọng ý kiến khán giả", cô tâm sự.

Sự khác biệt khi đóng phim ở Hà Nội và TP.HCM

Là người Hải Phòng, học đại học tại Hà Nội, Minh Trang đã có thời gian theo đuổi con đường diễn xuất ở miền Bắc, với vai diễn trong phim truyền hình của VFC. Khi chuyển vào TP.HCM phát triển sự nghiệp, nữ diễn viên cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa môi trường làm việc ở hai miền là thời gian ghi hình.

Theo Minh Trang, đoàn phim ngoài Bắc thường ghi hình tới 20-22h là sẽ nghỉ ngơi, trừ những cảnh quay có yêu cầu đặc biệt. Nhưng khi chuyển vào TP.HCM, với bộ phim Chọc tức vợ yêu, cô phải dậy từ 4h sáng hôm trước và quay liên tục tới 4h sáng hôm sau. Thông thường, mỗi ngày đều làm việc tới 1-2h sáng.

''Tại TP.HCM, ê-kíp làm việc rất nhanh, có khi một ngày hoàn thành đến 20 phân cảnh"

"Ở ngoài Bắc, mọi người làm việc sẽ thong thả hơn, đến giờ sẽ được nghỉ ngơi. Diễn viên cũng được cho thời gian để lấy cảm xúc, nhập tâm vào nhân vật kỹ càng. Tại TP.HCM, ê-kíp làm việc rất nhanh, có khi một ngày hoàn thành đến 20 phân cảnh", nữ diễn viên so sánh sự khác biệt giữa hai môi trường giải trí.

Thời điểm mới chuyển vào TP.HCM, Minh Trang kể cô không biết đường sá, không có bạn bè thân thiết, không có chỗ ở. Mỗi lần đi diễn, cô phải tự lo mọi việc, từ kéo vali trang phục tới làm tóc, chuẩn bị đồ ăn thức uống...

Không có trợ lý và stylist riêng, Minh Trang không biết mượn trang phục ở đâu để quay phim. Cô cho biết đã ứng trước cát-xê và dùng toàn bộ khoản tiền đó để mua trang phục mới phục vụ việc quay phim.

"Làm việc vất vả lại không có ai giúp đỡ, tôi phải nhập viện vì đau đại tràng", Minh Trang nhớ lại những ngày đầu mới lập nghiệp tại TP.HCM.

"Khi quay Cây táo nở hoa, tôi đã thông báo với ê-kíp rằng mình không quay đêm nhiều được, vì cứ tới 1h sáng là bụng tôi đau thắt lại. Nhưng cũng có những lần phải quay tới 5h sáng, tôi vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể", Minh Trang kể.

Nữ diễn viên 26 tuổi cho rằng cô vẫn còn nhiều điểm chưa làm tốt khi quay Cây táo nở hoa. Cô tâm sự: "Lần đầu tiên được làm việc với nhiều anh chị giỏi trong nghề, tôi thực sự muốn mình làm tốt hơn. Nhưng sức khỏe không cho phép, nhiều lúc tôi cảm giác như mình đang làm hỏng bộ phim".

Vào TP.HCM làm việc để kiếm tiền giúp gia đình

Nhiều bài viết đưa ra thông tin Minh Trang vốn định theo đuổi con đường dạy học, làm giảng viên trường điện ảnh. Trả lời Zing, người đẹp Hải Phòng đính chính thông tin trên.

Theo Minh Trang, cô vốn chưa được làm giảng viên chính thức. Khi học tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cô có điểm tốt nghiệp cao. Các thầy cô giáo đánh giá cao khả năng diễn trên sân khấu kịch của cô nên đề nghị Minh Trang ở lại trường, học lên thạc sĩ và làm chức vụ trợ giảng môn Kỹ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, Minh Trang chưa hoàn thành được khóa học thạc sĩ. "Đó là ước mơ của tôi, đến giờ tôi vẫn thích việc đi dạy, thích được truyền lửa cho người khác. Không chỉ là kiếm tiền, diễn xuất còn là việc người diễn viên được hóa thân vào nhiều nhân vật, nhiều cuộc đời và trải nghiệm. Tôi muốn truyền dạy cho đàn em phía sau những điều ấy, bởi ngẫm lại, nhiều bạn học cùng khóa với tôi lại quan niệm công việc diễn xuất rất khác, họ nghĩ hoa mỹ lắm", Minh Trang trải lòng.

Diễn viên sinh năm 1995 không ngần ngại thừa nhận cô chuyển vào TP.HCM để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ khi gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Cô bộc bạch: "Khi ấy, khoản tiền tôi tích cóp được cũng không giải quyết nổi vấn đề trong nhà. Sáng nhìn bố nằm trên giường bệnh, chiều vẫn phải lau nước mắt mà tươi cười trước ống kính. Thế là tôi nghĩ mình phải vào TP.HCM thôi, tôi còn tự nhủ rằng biết đâu đóng MV cho một ca sĩ nổi tiếng xong, tôi có thể nổi tiếng theo và kiếm được nhiều tiền thì sao".

''Sáng nhìn bố nằm trên giường bệnh, chiều vẫn phải lau nước mắt mà tươi cười trước ống kính''.

Lý do thứ hai khiến Minh Trang chuyển vào TP.HCM là để học hỏi.'

"Khi quay Chọc tức vợ yêu, tôi thấy anh chị em đồng nghiệp trong này giỏi quá, họ không mất nhiều thời gian để lấy cảm xúc, nắm bắt nhân vật rất nhanh, làm việc cũng rất sáng tạo.

Ở Hà Nội, đạo diễn muốn tôi làm thế nào, tôi đều sẽ nghe theo. Nhưng trong TP.HCM, diễn viên luôn có sẵn hình dung riêng về nhân vật, và họ hoàn toàn có quyền trao đổi với đạo diễn để có được sáng tạo riêng của mình về vai diễn. Vì vậy, tôi muốn vào TP.HCM để học hỏi thêm ở anh chị em trong nghề", Minh Trang nói thêm.

Cô không giấu ước mơ được trở về trường cũ: "Biết đâu sau này, tôi vẫn có thể về Hà Nội làm giảng viên được thì sao. Làm cô giáo là việc lâu dài mà. Nhiều nghệ sĩ đóng phim giỏi, đóng phim hay, họ vẫn được mời tới làm giảng viên trường điện ảnh đấy thôi".

"Người ta vẫn gọi tôi là hot girl đóng phim"

"Tôi là diễn viên được đào tạo trong trường lớp chuyên nghiệp, không phải tay ngang đá chéo sân, Nhưng mọi người vẫn gọi tôi là hot girl đóng phim", Minh Trang nói về khúc mắc trong lòng cô sau một thời gian theo đuổi diễn xuất.

Theo diễn viên 26 tuổi, cô bị nhầm là hot girl mạng vì thường xuất hiện trong các MV ca nhạc hoặc nhận chụp hình look book.

"Các nghệ sĩ, diễn viên khác rất ít nhận lời các công việc trên. Tôi cũng không biết vì sao bản thân hay được mời quay MV, dù có nhiều bạn gái khác đẹp hơn tôi nhiều. Đa phần các bạn chụp look book nhiều là người mẫu ảnh mạng, hoặc hot girl trẻ trung. Do đó mọi người nghĩ tôi chỉ là hot girl không biết gì về diễn xuất cũng đúng. Tôi không ngại nhận lời quay MV, chụp ảnh mẫu", cô nói.

Minh Trang tâm sự thêm: "Nhìn vẻ ngoài của tôi, mọi người sẽ nghĩ tôi lạnh lùng hoặc tính tiểu thư khó chiều. Nhưng đấy là ấn tượng tôi cố tình tạo ra, bởi tôi không dám nói chuyện nhiều. Nếu tôi mở miệng nói chuyện, mọi người sẽ biết tôi hơi 'ba ngơ'. Mà trong công việc, đôi khi lơ ngơ quá lại khó trao đổi, làm việc chung. Tôi từng trải qua trường hợp ấy rồi, nên quyết tâm không nói nhiều, tránh bị bắt nạt".

dien vien minh trang anh 6

Minh Trang chạnh lòng vì bị gọi là "hot girl đóng phim".

Trái với vẻ ngoài như cô tiểu thư giàu có được cha mẹ nuông chiều, Minh Trang thích tiết kiệm tiền, mua trang phục rẻ, hoặc thậm chí tự cắt và may. "Tôi thích váy dài, vẽ hoa vẽ lá, hơi hướm vintage. Nhiều lần bạn bè nhìn thấy còn hỏi tôi mặc đồ gì, nhận xét tôi ăn mặc giống những bà thím trong phim Hàn Quốc", cô cười lớn.

"Tôi không thích hàng hiệu. Nếu có thì tốt, vì thường hàng hiệu sẽ bền và đẹp rất lâu, còn đồ bình dân dễ hỏng hơn và có thể phải mua lại nhiều lần. Nhưng giả dụ đứng trước một chiếc túi 20 triệu đồng đi, thà tôi đưa 20 triệu đồng ấy cho mẹ, mẹ thích mua gì thì mẹ mua cho mẹ. Còn tôi, tôi không cần.

Thời gian của tôi còn rất nhiều, cuộc đời còn dài. Nhưng sau biến cố gia đình, tôi nhận ra bố mẹ cũng lớn tuổi rồi, đâu ai biết ngày mai sẽ thế nào. Nên có gì, tôi cứ dành cho bố mẹ tôi trước đã", nữ diễn viên trải lòng.

‘Mất 9 tháng tìm, tốn 150 triệu đồng cho tiệm sửa xe ở Cây táo nở hoa’

Đạo diễn Thạch Thảo tiết lộ nhà sản xuất đã tìm kiếm tiệm sửa xe của phim trong thời gian dài.

Nghiêm Ngọc

Ảnh: Anh Khoa

Bạn có thể quan tâm