Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miêu tả cảnh ăn chơi trụy lạc, sách của văn hào từng bị cấm

Tập truyện "Phóng đãng" từng bị cấm vì một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kafu bị coi là dung tục, phương hại đến mối quan hệ ngoại giao của Nhật.

Tranh trên bìa một cuốn sách của Nagai Kafu.

Cuối thế kỷ XIX và khoảng mười mấy năm đầu thế kỷ XX ở Nhật Bản là thời điểm anh tài văn chương nở rộ với những cái tên như Natsume Soseki, Dazai Osamu, Tanizaki Junichiro, Yukio Mishima.

Người theo chủ nghĩa duy mĩ khoái lạc

Mỗi nhà văn một phong cách riêng, nếu phong cách của Kawabata là nỗi niềm luyến tiếc nét đẹp hoài cổ thì trang văn của Junichiro lại mang vẻ phong tình xuân sắc bản chất con người. Và sẽ thật thiếu sót, khi nhắc về những nhà văn theo chủ nghĩa duy mĩ khoái lạc mà lãng quên cái tên Nagai Kafu, một trong những nhà văn cận đại nổi tiếng nhất ở Nhật, thuộc lớp người Nhật tiên phong đón nhận văn hóa phương Tây nhưng tên tuổi vẫn còn xa lạ với độc giả Việt Nam.

Nagai Kafu (1879 - 1959) xuất thân trong một gia đình quan chức nên ngay từ nhỏ, ông đã được đón nhận những cải cách mới mẻ đến từ giáo dục phương Tây. Ông nổi tiếng là một tác gia có kiến thức uyên thâm, phong thái lịch lãm, từng được Thủ tướng hai lần mời tham gia câu lạc bộ Useikai - nơi hội ngộ của những văn sĩ tinh anh trong xã hội.

Lúc sinh thời, Kafu thường lui tới nơi bán phấn buôn hương bên kia bờ Đông sông Sumida, nhưng chẳng phải là kẻ chơi dung tục, ông tìm kiếm chất liệu sáng tác ở đáy của xã hội, ông dành lời cảm thương cho những kiếp người bị khinh rẻ. Những năm tháng cuối đời, Kafu vinh dự được Thiên hoàng Showa trao tặng Huân chương Công lao Văn hóa như một cách tri ân đối với những đóng góp của ông cho văn chương nước Nhật.

Cảnh rối ren của xã hội

Tuyển tập Phóng đãng của Kafu được chia làm ba phần, gồm Truyện bên Mỹ, Truyện bên PhápTruyện bên Nhật, ghi chép lại những cảnh mắt thấy tai nghe của tác giả trước sự rối ren của xã hội và ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ trên mọi lĩnh vực đời sống của người Nhật lúc bấy giờ.

Nếu như Mori Ogai chọn theo đuổi nghiên cứu Y khoa ở Đức, Natsume Soseki học hai năm chuyên ngành Văn học ở Anh thì Kafu dấn thân vào hành trình về phía Tây, đến với Mỹ và câu chuyện trong Phóng đãng đem đến cho độc giả những nét hiện đại riêng biệt, biến Kafu trở thành nhà văn độc đáo một mình một chiến mã trên văn đàn Nhật Bản.

Phong dang anh 1

Sách Phóng đãng. Ảnh: T.Đ.

Truyện bên Mỹ gồm 16 truyện, kể về cuộc sống và những lần gặp gỡ người bản xứ của ông cũng như một vài mối tình thoáng qua trong cuộc hải trình bắt đầu từ Nhật Bản đi qua Michigan, Chicago, Washington D.C. và kết thúc là New York.

Những câu chuyện trong cuốn sách tuy mang cái nhìn chủ quan của người trí thức trẻ Á Đông nhưng có thể xem là tư liệu quý giá phán ánh xã hội Mỹ thời bấy giờ. Giống như de Tocqueville một thế kỉ trước, Kafu đã vẽ nên một nước Mỹ sôi động và đa sắc, không chỉ nhắc đến vẻ xa hoa của những hội chợ mang tầm quốc tế, phòng hòa nhạc, trường đại học, những tiệm rượu tấp nập người lui tới, mà còn đề cập đến tầng lớp nhập cư thấp kém, những khu đèn đỏ tràn ngập tệ nạn.

Ngay ở câu chuyện đầu tiên, Đêm chuyện vãn trong ca bin, Kafu viết về một đêm phiếm đàm của ba người đàn ông trẻ tuổi trên đường tới Seattle mà ở đó, mỗi người lại hé lộ một viễn cảnh tồi tệ, mất niềm tin hoặc một trái tim tan vỡ khi mang trong mình giấc mộng kiếm sống tốt hơn ở hải ngoại.

Tác giả phơi bày những mâu thuẫn phức tạp của nước Mỹ đầu thế kỉ XX, bên dưới vẻ lộng lẫy hào nhoáng của New York là sự nghèo túng tạm bợ trong truyện Gái ăn sương nhưng lại ca ngợi những nét tinh tế, một xã hội tự do trong Hai ngày ở Chicago. Những mảnh ghép góc cạnh ấy đã được Kafu khéo léo sắp xếp tạo nên một bức tranh toàn cảnh về những thách thức trong cuộc sống ở Mỹ đối với những người nghèo khổ, những người nhập cư, và được tô điểm bởi những bức chân dung cá nhân rõ nét.

Truyện bên Pháp gồm 11 truyện, được tác giả sáng tác dựa trên những ngày tháng sống tại Lyon và Paris. Kafu dành nhiều tình cảm cho đất nước và con người nơi đây, vì ông đặc biệt yêu thích văn học và nghệ thuật của nước Pháp hoa lệ. Minh chứng là văn chương của ông có chút ảnh hưởng từ Émile Zola - một nhà văn tiên phong của chủ nghĩa tự nhiên của Pháp.

Trong phần Truyện bên Pháp, Kafu dành riêng một chương truyện tên là Cúi đầu trước tượng Maupassant, kể về nỗi lòng người sinh viên học tiếng Pháp là vì “muốn thưởng thức văn phong của thầy Maupassant trong nguyên tác chứ không phải thông qua bản dịch tiếng Anh”.

Thế nhưng, tập truyện từng bị cấm phát hành ngay từ khi ra mắt vì Phóng đãng, một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kafu bị coi là dung tục, phương hại đến mối quan hệ Nhật - Pháp khi miêu tả cảnh ăn chơi sa đọa trụy lạc của một công chức ngoại giao.

Truyện bên Nhật chỉ vỏn vẹn hai truyện ngắn, Pháo bôngTấm huân chương, lấy bối cảnh vào năm 1919, khi hiệp ước Versaille được ký kết. Nội dung truyện ngắn là hoài niệm của chính tác giả, một văn sĩ ưu thời mẫn thế về một Edo xa xôi, nay đã chấm dứt.

Sống giữa lúc chuyển giao thời cuộc, văn hóa cũ và mới đan xen, Kafu là nhà văn của thế hệ Minh Trị may mắn được chứng kiến những đổi thay của Nhật Bản để thuật lại trong những sáng tác của mình. Có lẽ những người có lòng với đất nước khi đọc những dòng mỉa mai của ông, sẽ thấy sự đồng cảm sâu sắc.

Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết của Mishima Yukio

Tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về cái đẹp trong "Kim Các tự".

Mối tình đầu trong trẻo như sớm mai trên biển

Tiểu thuyết "Tiếng triều dâng" của Mishima Yukio mang nét đẹp của một mối tình đầu trong trẻo như sớm ban mai trên biển.

Hieu ve trai tim: The nao la tinh yeu? hinh anh

Hiểu về trái tim: Thế nào là tình yêu?

0

Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu chúng ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, có khi là quá thừa hoặc có khi là quá thiếu, thì nó sẽ héo tàn và chết đi. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Hiểu Yên

Bạn có thể quan tâm