Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miệt thị người chuyển giới như Lynk Lee: Nhiều nghệ sĩ cũng mắc lỗi

Không chỉ bị kỳ thị từ cộng đồng mạng, cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ người nổi tiếng, không có tiếng nói trong văn hóa đại chúng.

Lynk Lee vừa tái ngộ khán giả với diện mạo mới, nữ tính và quyến rũ hơn. Đi kèm lời khen, giọng ca Buồn thì cứ khóc đi nhận không ít lời miệt thị, xem thường.

Tuy khuynh hướng tính dục, bản dạng giới hoàn toàn không do con người quyết định. Song, không ít lần, Lynk Lee và cộng đồng LGBTQ+ hứng chịu những lời miệt thị, chỉ trích gay gắt.

Đáng nói, việc bị miệt thị giới tính không khác gì nạn phân biệt chủng tộc. Không chỉ riêng cộng đồng mạng, nhiều ngôi sao lớn từng lên tiếng phân biệt giới tính.

Ở thị trường Hollywood và một số quốc gia xem đồng tính, chuyển giới là khác biệt văn hóa, điều này càng gay gắt hơn.

JK Rowling kỳ thị người chuyển giới

"Những người có kinh nguyệt, có từ nào khác thỏa đáng không? Wumben? Wimpund hay Woomud?". Câu nói trên được trích trong bài phản bác của tác giả Harry Potter về bài báo "Tạo ra một thế giới hậu Covid-19 bình đẳng hơn cho những người có kinh nguyệt".

Việc đánh đồng phụ nữ phải gắn liền với kinh nguyệt khiến tác giả người Anh bị chỉ trích kỳ thị phụ nữ chuyển giới, cố tình tách một bộ phận ra khỏi cộng đồng.

Sau khi bị dân mạng phản ứng, bà đưa ra lý do thiếu thuyết phục: "Tôi đồng cảm với người chuyển giới. Họ cũng là phụ nữ, dễ bị tấn công từ đàn ông. Nếu sinh ra muộn 30 năm, tôi đã thử chuyển giới".

Mẹ đẻ Harry Potter tiếp tục bị chỉ trích. Bởi, về bản chất, khuynh hướng tính dục, bản dạng giới không thể nào thay đổi, dù làm vẻ ngoài khác đi bằng trang phục, hay nhờ sự can thiệp của y học.

Sau vụ việc, bà bị người hâm mộ, thậm chí những người từng hợp tác chung quay lưng. Hàng loạt diễn viên như Daniel Radcilffe, Emma Watson, Katie Leung... phản bác nhà văn 55 tuổi.

Trong một bài viết trên Trevor Project, "Harry Potter" thẳng thắn đối mặt với JK Rowling. Anh khẳng định "không ai có quyền xâm phạm quyền riêng tư của cộng đồng đồng tính, chuyển giới". Ngôi sao 30 tuổi cũng hy vọng bình luận kỳ thị không vấy bẩn ý nghĩa tác phẩm Harry Potter.

Nam diễn viên Ben O' Keefe lại thẳng thừng gọi JK Rowling là TERF - thuật ngữ chỉ phong trào nữ quyền nhưng bài xích phụ nữ chuyển giới.

Sao nam vạ miệng vì miệt thị giới tính

Trường hợp miệt thị giới tính như của JK Rowling trên thế giới không hiếm. Hàng loạt sao nam bị chỉ trích vì phát ngôn kỳ thị giới tính.

Đáng nhớ nhất là trường hợp Bob Hope. Trong chương trình The Tonight Show phát trên sóng NBC, "vua hài nước Mỹ" cho rằng đồng tính nam là "những quý ông đeo cà vạt đầy màu sắc".

Phát ngôn này của nghệ sĩ Mỹ bị cho là quy chụp, đánh đồng, nhập nhằng giữa sở thích và giới tính người khác. Bởi, không hẳn ai thuộc LGBT đều thích đồ sặc sỡ và chưa chắc người thích diện màu hồng là người đồng tính.

Năm 2011, Brett Ratner đối mặt làn sóng tẩy chay mạnh mẽ khi phát ngôn thiếu chín chắn trong buổi họp báo phim Tower Heist. Cụ thể, khi được hỏi vấn đề luyện tập trước các cảnh quay, nam diễn viên nói: "Tập dợt trước khi ghi hình là việc của lũ đồng tính".

Sau vụ việc, Ratner phải nộp đơn từ chức sản xuất chương trình trao giải Oscar 2012 vì vạ miệng. Ông cũng lên tiếng xin lỗi: "Tôi thật ngu xuẩn trong cách diễn đạt câu nói. Tôi không hề có thành kiến, lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn".

Cùng năm, Mel Gibson cũng có phát ngôn bị cho là kỳ thị người đồng tính, khiến họ tổn thương. Trong một cuộc phỏng vấn, diễn viên - đạo diễn Hollywood nói: "Với một vài vai diễn, tôi có cảm giác mọi người nghĩ mình là người đồng tính. Thật khó chịu khi trở thành người như vậy".

Eminem cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tại Grammy 43, rapper nổi tiếng trình diễn ca khúc Stan cùng Elton John. Sau đêm diễn, GLAAD - tổ chức vì quyền lợi cộng đồng LGBT+ - phê phán hai ngôi sao dùng lời lẽ kỳ thị người đồng tính.

Mãi đến năm 2012, Eminem "minh oan" cho chính mình. Khi được hỏi vấn đề hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, anh hoàn toàn ủng hộ. "Tôi nghĩ hai người yêu nhau thì sống với nhau, có gì phải thắc mắc? Mỗi người đều phải có cơ hội bình đẳng như nhau", giọng ca Love the way you lie nói.

Khi phim ảnh không chấp nhận cộng đồng LGBTQ+

Không chỉ người da màu, phụ nữ, cộng đồng LGBTQ+ còn phải đấu tranh nhiều. Bởi, không chỉ bị kỳ thị ngoài đời thực, phim đề tài đồng tính nói chung bị cho là "lệch chuẩn văn hóa".

Đầu tháng 3, Onward - bộ phim hoạt hình của Pixar có nhân vật công khai đồng tính đầu tiên của Disney - chịu số phận bị thay đổi nội dung, cấm chiếu ở một số nước.

The Moscow Times đưa tin nhân vật đồng tính nữ Specter (Lena Waithe lồng tiếng) bị thay đổi hoàn toàn so với nguyên bản khi đến Nga. Tại quốc gia được xem là kỳ thị đồng tính nhất nhì thế giới, giới tính nhân vật này không được nhắc đến, thoại cũng bị lược bỏ ít nhiều.

Deadline đưa tin hàng loạt quốc gia Trung Đông như Kuwait, Oman, Qatar và Saudi Arabia cấm chiếu Onward bởi có nhân vật đồng tính nữ. Ở những quốc gia này, họ không chấp nhận hình ảnh LGBTQ+ xuất hiện trong văn hóa đại chúng.

Năm 2015, Cô gái Đan Mạch gây tiếng vang toàn thế giới vì khai thác quá trình phát hiện, chuyển đổi tâm lý, giới tính từ nam sang nữ của một phụ nữ chuyển giới.

Cô gái Đan Mạch lấy bối cảnh thập niên 1920, vì vậy, quá trình nhận ra giới tính, dằn vặt giữa lương tâm và liệu pháp chữa trị vô cùng khó khăn. Phim cũng dựa trên cảm hứng từ nhân vật Lili Elbe, một trong những người phụ nữ phẫu thuật chuyển giới đầu tiên trên thế giới.

Gặt hái nhiều giải thưởng, từ Oscar đến BAFTA, song, phim đề tài chuyển giới cũng gây không ít tranh cãi. Phim chính thức bị cấm chiếu ở nhiều nơi, trong đó có Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Jordan, Kuwait và Malaysia.

Tại Qatar, phim bị cấm chiếu với lý do vi phạm thuần phong mỹ tục. Một cuộc biểu tình trực tuyến cũng nổ ra, lên án sự "đồi trụy" mà Cô gái Đan Mạch mang lại.

"Chúng tôi đã liên lạc với các bên liên quan. Từ lúc ra thông báo này, Cô gái Đan Mạch sẽ bị cấm chiếu tại các rạp. Chúng tôi cảm ơn sự cảnh giác cao độ của các bạn", đại diện Bộ Văn hóa Qatar viết trên Twitter.

Doha News cho biết phim đề tài chuyển giới vấp phải ý kiến của nhiều người, trong đó có hashtag #NotothescreeningofTheDanishGirl (tạm dịch: Nói không với Cô gái Đan Mạch).

Tờ này trích dẫn một bình luận: "Hãy nói không với thể loại phim đi ngược lại đạo đức và truyền thống. Hy vọng người chịu trách nhiệm quảng bá, tuyên truyền bị xử lý".

Không chỉ bị miệt thị, cộng đồng LGBTQ+ đối mặt với việc bị quy chụp, áp đặt ý thức hệ cho rằng họ là bộ phận lệch chuẩn. Đối mặt với sự kỳ thị, thậm chí bị miệt thị, cộng đồng LGBTQ+ đang nỗ lực để có chỗ đứng và được công nhận như bao người khác.

Jack hát live thế nào? Trên một sân khấu cách đây 3 tuần, Jack khuấy động khi thể hiện hit "Là một thằng con trai". Phần trình diễn của Jack được khen sôi động và giọng hát live khá tốt.

Lynk Lee thay đổi ngoại hình sau khi công khai giới tính

Sau khi công khai giới tính thật, giọng ca "Ngày ấy bạn và tôi" theo đuổi hình tượng nhẹ nhàng, nữ tính.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm