Cuối tuần trước, thị trấn Sapa trở nên nhộn nhịp hơn thường lệ với lễ hội văn hóa “Sắc xuân Tây Bắc” diễn ra tại sân Quần. Rất nhiều người dân tộc Mông, Thái, Dao, Thái, Mường… đổ về đây tham dự với quần áo lễ hội. Trong số đó, Giàng A Do (15 tuổi) ở xã Xa Pả, đi bộ hơn 5km đến đây để biểu diễn khèn với bản nhạc đi tìm người yêu, thi cùng với những người khác.
Mỗi tháng Giàng A Do chi tới 100.000 đồng cho điện thoại di động. Ảnh: H.Ly |
Trong lễ hội này, Do chỉ thổi kèn cho vui và nhận quà của ban tổ chức. Ngày cuối tuần khác, thanh niên người Mông này thường thổi khèn cho khách du lịch và thỉnh thoảng được nhận tiền thưởng từ họ. “Chẳng được nhiều tiền đâu, chỉ đủ cho gọi điện thoại thôi”, Giàng A Do cho biết. Dù rất nghèo, chàng trai này vẫn cố sắm cho mình một chiếc điện thoại di động để gọi cho bạn gái. Và Do tiết lộ, chi phí mỗi tháng cho “dế” khoảng 100.000 đồng.
Với một người thành phố, việc chi trả 100.000 đồng/tháng cho điện thoại di động là bình thường. Nhưng ở những vùng sâu, vùng xa và người dân còn nghèo như xã Xa Pả, chi tiêu cho di động như Do ở mức 100.000 đồng/tháng là xa xỉ. Thế nhưng, việc chi tiền cho điện thoại như vậy với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Sapa là rất phổ biến.
Giàng Thị Chư (13 tuổi), người Mông và Hạng Thị Chu (33 tuổi) cùng ở xã Xa Pả đều có thâm niên dùng di động từ 1 năm trở lên. Ở đây, họ có thể thiếu thốn nhiều tiện nghi sinh hoạt nhưng không thể không có điện thoại di động. Và nói như Giàng A Tịch (19 tuổi) cũng ở xã Xa Pả: “Dùng di động để còn gọi cho bạn, nghe đài chứ, không có thì làm thế nào”.
Với những người thành phố, điện thoại di động là vật bất ly thân nhưng chi phí cho nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thu nhập. Còn với những người dân tộc, nhiều gia đình không có một dụng gì đáng giá trong nhà nhưng họ vẫn cố sắm một, hai chiếc di động để giải trí và liên hệ với người khác. Và gần như toàn bộ người dân tộc đều dùng mạng Viettel bởi “thích thì cứ dùng thôi chứ không biết tại sao” – Lồ Thị Sô (24 tuổi, dân tộc Mông, Sapa) chia sẻ.
Với những vùng sâu, vùng xa như miền núi ở Sapa, không có nhiều người nghĩ rằng nơi đây có thể là một thị trường tiềm năng dành cho dịch vụ thông tin di động. Khi đời sống người dân còn quá nghèo, việc bỏ ra một khoản chi tiêu cả trăm nghìn/tháng dành cho di động dường như không khả thi. Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở vùng núi Sapa cho thấy, ngay cả với những người dân nghèo nhất, việc kích cầu hợp lý sẽ đem đến nhiều khách hàng mới, đi kèm khoản doanh thu trên mỗi thuê bao tương đương mức bình quân chung (khoảng 5 USD/thuê bao/tháng).
Vừ Bá Páo - nhân viên Viettel đang tư vấn cho người dân tộc thiểu số bằng tiếng Mông. Ảnh: H.Ly |
Trong năm 2013, thị trường thông tin di động được đánh giá đã đến ngưỡng bão hòa. Số thuê bao di động thực của VNPT (MobiFone và VinaPhone) theo công bố giảm tới 10,8 triệu. Tuy nhiên, đối thủ của họ là Viettel vẫn tăng trưởng với 1,81 triệu thuê bao mới. Điều gì đã giúp nhà mạng quân đội vẫn có thêm cả triệu người dùng mới dù thị trường ở mức bão hòa?
Thực tế, thị trường di động mới bão hòa ở các vùng thành thị, khi mà mật độ điện thoại vượt quá 100% dân số. Nhưng ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là miền núi, nhu cầu về thông tin di động vẫn tăng và là dư địa hiếm hoi còn lại mà các hãng viễn thông có thể khai thác. Một con số trùng hợp ngẫu nhiên: 1,81 triệu thuê bao tăng mới của Viettel gần với 1,86 triệu người đăng ký mới bộ hòa mạng Tomato Buôn làng (dịch vụ di động dành riêng cho người dân tộc thiểu số của nhà mạng quân đội).
Trước đây, việc đầu tư phát triển thuê bao ở khu vực miền núi nghèo được coi như làm chính sách xã hội bởi chi phí đầu tư cao, rất khó dựng trạm phát sóng, bán hàng chậm, doanh thu thấp... Thế nhưng, cùng với việc đô thị hóa ngày càng mở rộng, thói quen sử dụng di động lan cực nhanh trong cộng đồng, miền núi là đoạn thị trường mà các mạng di động với doanh thu hàng tỷ USD cần phải chiếm lĩnh khi mảng đô thị đã bão hòa.
Thế nhưng, “miếng bánh cuối cùng” về thuê bao mới mà các ông lớn di động cần phải tranh nhau lại không quyết liệt như ở thành thị. Phủ sóng ở miền núi rộng hơn, có dịch vụ chuyên biệt cho người dân tộc, có cả nhân viên nói tiếng người thiểu số để giải đáp thắc mắc… Viettel đang có ưu thế hơn các nhà mạng như VinaPhone và MobiFone (vốn chưa quen cạnh tranh ở những nơi nghèo khó).
Một lãnh đạo của VinaPhone chia sẻ: “Chúng tôi đã có nhiều thay đổi trong việc đầu tư hạ tầng, mở rộng kênh phục vụ bà con người dân tộc thiểu số… nhưng vẫn còn phải cố gắng nhiều”. Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo của MobiFone thừa nhận: “Cạnh tranh ở các vùng núi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa là rất khó khi mà các quyết định đầu tư mạng lưới không đi trước đó. MobiFone sẽ phải cân nhắc về hiệu quả khi tăng đầu tư để hút thuê bao ở khu vực miền núi xa xôi so với rót tiền ở nơi khác”.