Chiều nay (17/9), Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển nhanh, vẫn giữ khả năng mạnh lên thành bão trong tối và đêm nay.
Đáng lưu ý, hoàn lưu trước áp thấp nhiệt đới/bão có thể gây mưa rào và giông cho khu vực Trung Trung Bộ ngay ngày 18/9. Thời gian để ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão lần này ngắn hơn nhiều so với bão số 3 Yagi.
Đến 16h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25-30km/h.
Dự báo trong 24-48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Cũng trong bản tin chiều nay, cơ quan khí tượng dự báo, từ chiều tối nay đến đêm 19/9, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-90mm, cục bộ có nơi trên 150mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Hầu khắp các vùng trên cả nước đều xuất hiện mưa, nhiều nơi mưa lớn. Ảnh minh họa: Huế EX. |
Ngoài ra, từ chiều tối nay đến ngày mai (18/9), khu vực Bắc Bộ vẫn có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm).
Từ chiều tối nay đến trưa mai, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Từ chiều tối nay đến ngày mai, khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Từ 20/9, mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, khoảng từ chiều tối mai đến ngày 21/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.