Khu dân cư ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ngập sâu do mưa lớn liên tục ngày 9-10/10. Ảnh: Thanh Đức. |
Trong công điện ban hành tối 10/10, Thủ tướng yêu cầu các địa phương từ Quảng Bình đến Phú Yên cùng bộ, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó với mưa lũ ở Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây mưa lớn tại Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Chỉ trong một ngày, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa lên tới trên 300 mm, có nơi trên 550 mm. Mưa lớn gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Cơ quan khí tượng cảnh báo Trung Bộ có thể tiếp diễn mưa lớn trong thời gian tới. Người dân đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.
Trước diễn biến trên, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cơ quan chức năng thị xã Đức Phổ sơ tán người dân vùng lũ đến nơi an toàn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Đồng thời, đơn vị liên quan chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; chủ động điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình, đồng thời góp phần giảm lũ cho hạ du.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ.
Ngoài ra, các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được phân công để chỉ đạo công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm nay và sáng mai (11/10), lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên và có thể đạt mức báo động 2, 3. Sau đó, lũ xuống dần.
Từ nay (10/10) đến ngày 11/10, các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ khả năng ở báo động 1 và 2, có sông trên báo động 2.
Người dân đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum. Đồng thời, địa phương đề phòng sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.