Đến 13h ngày 3/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (118-149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Sơ đồ đường đi của bão số 12. |
Khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Từ sáng mai 3/11, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội
Miền Trung tất bật ứng phó bão
Trước diễn biến phức tạp về đường đi của cơn bão số 12, lúc 9h sáng nay (2/11), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.
Đồng thời thông báo cho ngư dân và các trạm kiểm soát biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Các đài canh tìm kiếm cứu nạn của đồn Biên phòng liên tục cập nhật bản tin về vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão để tàu thuyền chủ động phòng tránh.
Người dân miền Trung chưa dọn dẹp xong hậu quả của cơn bão lớn số 11 thì bão số 12 đã xuất hiện. |
Theo thống kê, đến 6h sáng 2/11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển của Quảng Nam là 100 cùng 2.356 ngư dân. Trong đó số tàu đánh bắt gần bờ có 27 chiếc với 221 ngư dân. Riêng tàu đánh bắt xa bờ có 73 chiếc cùng 2.135 ngư dân. BĐBP Quảng Nam đã yêu cầu các tàu quay về bờ trú ẩn.
Còn lại 49 tàu cùng 1.815 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. BĐBP vẫn đang giữ liên lạc và yêu cầu không được tắt máy icom để cập nhật các bản tin báo bão và tìm nơi trú ẩn khi có thông báo.
Cũng trong sáng nay, gia đình ngư dân Lê Thanh Trúc (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) đã liên lạc đề nghị các lực lượng cứu nạn tàu cá BĐ 93318. Tàu cá này có công suất 225CV vừa được ông Trúc mua lại của ông Ngô Thừa ở Phù Cát, Bình Định và đang trên đường chạy về Quảng Nam thì bị hỏng máy trôi dạt. Hiện vẫn chưa có thông tin về tàu này.
Trong khi đó tại Đà Nẵng các cơ quan chức năng đã kêu gọi được 153 tàu thuyền vào tránh trú bão. Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cho biết đã có 1.695 tàu cá với hơn 6.000 ngư dân đã vào bờ. Hiện còn 153 tàu với hơn 1.200 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực tây quần đảo Hoàng Sa có 9 tàu cá với 94 ngư dân, nam Hoàng Sa có 2 tàu với 24 ngư dân hiện đang tiếp tục di chuyển vào bờ tránh bão. Khu vực từ vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng có 12 tàu cá với 848 ngư dân.
Sáng 2/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hóa; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ như sau:
1. Tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 81/CĐ-TW hồi 17h30 ngày 30/10.
2. Thông báo cho chủ tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
3. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
TTXVN