TP.HCM: rà soát vị trí xung yếu ứng phó với triều cường
Tối cùng ngày, bão số 12 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía đông đông bắc. Bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Dự báo hôm nay (2/11), bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15.
Chiều 3/11, bão đổi hướng di chuyển theo hướng tây rồi sau đó giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, hoạt động cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Ngãi khoảng 290km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm còn cấp 10-11, giật cấp 12-13.
Sơ đồ đường đi bão Krosa - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương. |
Nhiều trang dự báo quốc tế như Hải quân Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có cùng nhận định bão có khả năng đổ bộ vào khu vực Thừa - Thiên Huế. Trong khi đó, trang dự báo Nhật Bản nhận định bão sẽ vào tỉnh Quảng Trị.
Ông Lê Thanh Hải (phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương) cho rằng dù khả năng nào xảy ra thì bão cũng sẽ suy yếu hoặc thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào bờ. Diễn biến của bão còn phức tạp, vì vài ngày tới có không khí lạnh tràn về và sự xuất hiện của áp cao cận nhiệt đới có thể làm hướng đi của bão thay đổi.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến 16h ngày 1/11, biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 74.405 tàu thuyền cùng 363.638 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão số 12 để chủ động phòng tránh.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong những ngày tới mực nước đỉnh triều ở các trạm vùng cửa sông Nam bộ sẽ lên nhanh (vượt mức báo động 3), đỉnh triều cao nhất sẽ xuất hiện trong các ngày 5 đến 7/11 và ở mức cao đặc biệt tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và Nhà Bè (kênh Đồng Điền) khả năng lên mức 1,59-1,62m (cao hơn báo động 3 từ 0,09-0,12m), thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 4h-7h và từ 16h-19h. Theo đó, cần đề phòng trường hợp gió mùa đông bắc có khả năng mạnh lên gây dâng nước vùng cửa sông.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc phương án chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng ngập, đặc biệt các quận huyện: Thủ Đức, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Củ Chi và Hóc Môn cần tăng cường tổ chức rà soát tại các vị trí xung yếu, bờ bao, cống, cửa van ngăn triều... không để xảy ra tình trạng bể bờ bao.