Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng bão số 6, huyện đảo Lý Sơn đã quan trắc được gió cấp 8, cấp 9.
Đến 7h ngày 11/10, vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi khoảng 80 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 -75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh gửi công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị lập Ban chỉ huy tiền phương tập trung ứng phó với mưa bão, lũ lớn.
Quảng Ngãi lập chốt nghiêm cấm người dân qua lại trên tuyến đường ngập sâu, chảy xiết qua đảo Hòn Ngọc. Ảnh: M.Hoàng. |
Theo đó, cơ quan chức năng cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại); kêu gọi tàu, thuyền không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để đảm bảo an toàn.
Các địa phương tổ chức lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân chằng chống nhà cửa, giằng buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; khẩn cấp di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng ven sông, ven biển.
Riêng huyện đảo Lý Sơn phải tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, khách du lịch đang còn ở lại trên địa bàn (nếu có).
Sở GTVT phối hợp công an tỉnh, các địa phương hướng dẫn phân luồng giao thông, giải tỏa những khu vực sạt lở núi.
Trao đổi với Zing, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, cho biết sáng sớm 11/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 có tên quốc tế là LINFA. Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm bão ngay trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Sóng biển cao từ 3 đến 5 m.
Lực lượng dân quân tự vệ sơ tán dân Quảng Ngãi ra khỏi vùng sạt lở ven suối ở huyện Ba Tơ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Từ nay đến 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam từ 500 đến 700 mm, có nơi trên 700 mm; các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên 300-500 mm.
Tại Bình Định, các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn cấp di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ dân không đảm bảo an toàn...
Các ngành, địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ. Người dân trong các vùng nguy hiểm chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Đối với các hồ chứa thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao, cơ quan chức năng cần bố trí lực lượng trực canh, rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.