Đợt mưa lớn ở miền Trung 2 ngày tới gây nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở. Ảnh minh họa: Phạm Trường. |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ. Từ 19h ngày 22/9 đến 3h ngày 23/9, lượng mưa ghi nhận ở nhiều nơi trên 60 mm, tập trung tại Nghệ An, Quảng Nam...
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết ngày 23-24/9, mưa dông tiếp diễn và tập trung ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với lượng lớn, dao động 200-350 mm, cục bộ trên 400 mm.
Tại cuộc họp của Tổng cục Khí tượng Thủy văn chiều 22/9, các chuyên gia nhận định ở kịch bản cực đoan hơn, một số nơi tại Trung Bộ có thể mưa tới 500 mm liên tục các ngày 22-25/9. Đây là lượng mưa rất lớn, trút xuống khu vực trong thời gian ngắn.
Nhận định xa hơn, cơ quan khí tượng cho biết khoảng ngày 26/9, một áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão và tiến vào Biển Đông. Hình thái này sau đó tiếp tục mạnh lên và có thể đạt cường độ cấp 9-10, giật cấp 12.
"Miền Trung khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão, nhưng còn quá sớm để nhận định mức độ ảnh hưởng về gió, mưa", theo chuyên gia.
Dù vậy, dự báo ban đầu cho thấy sau đợt này, Trung Bộ khả năng hứng chịu đợt mưa tiếp theo ngày 27-29/9. Các đợt mưa lớn dồn dập xuất hiện tại khu vực gây ra nhiều nguy cơ về thiên tai như lũ quét, sạt lở, ngập lụt.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Hong Kong đang đưa ra hai kịch bản khác nhau cho hướng đi và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão đang hướng vào Biển Đông. Ảnh: JMA và HKO. |
Cùng lúc, đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Thừa Thiên - Huế cũng có mưa, nhưng vũ lượng nhỏ hơn, dao động 60-120 mm, có nơi trên 150 mm/đợt.
Từ Phú Yên đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, mưa dông xuất hiện trong ngày và đêm 23/9. Lượng mưa dao động 20-40 mm, có nơi trên 100 mm, tập trung vào chiều và tối.
Chuyên gia cảnh báo từ đêm 22/9 đến ngày 25/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông dao động 4-6 m, hạ lưu từ 2 m đến 3 m.
Đỉnh lũ thượng lưu sông Mã, các sông nhỏ ở Thanh Hóa lên mức báo động 1 và trên báo động 1; thượng lưu hệ thống sông Cả lên mức báo động 1 và 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên báo động 1...
Người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có văn bản đề nghị đơn vị chức năng các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Trị thông tin, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên thông tin cho các cấp chính quyền, người dân kỹ năng ứng phó với thiên tai.
Địa phương cần rà soát các phương án ứng phó với tình huống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để sẵn sàng triển khai thực hiện khi xảy ra tình huống.
Ngoài ra, lực lượng chức năng lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực nguy cơ cao, ở hạ du hồ chứa, an toàn đê điều, hồ đập, giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.