Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hòa Bình, từ đêm 7/9 đến 16h ngày 8/9, mưa lớn xuất hiện tại nhiều nơi tại địa phương. Một số khu vực ở huyện Thanh Lương, Thanh Hà và TP Hòa Bình ghi nhận lượng mưa lớn lên tới 280-300 mm.
Mưa trút xuống trong thời gian ngắn khiến nhiều tuyến đường tại TP Hòa Bình ngập, cục bộ có đoạn ngập sâu gây khó khăn cho phương tiện di chuyển.
Tính đến tối 8/9, Hòa Bình ghi nhận một người bị lũ cuốn trôi mất tích là anh N.X.G (sinh năm 1985, quê xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn). Ngoài ra, một nhà dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá vào nhà; 2,5 ha hoa màu và lúa bị ngập úng.
Tại TP Hòa Bình, đoạn kè bờ sông ở chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà bị sạt lở từ các đợt mưa lũ trước, hiện tiếp tục sạt hai bên với chiều dài 80 m. Việc này gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống hai bên bờ.
Về giao thông, mưa lớn gây ngập 8 tuyến đường ở huyện Lương Sơn. Đơn vị chức năng cho biết sẵn sàng sơ tán 41 hộ dân tương đương 190 người ra khỏi khu vực nguy hiểm ở xã Lâm Sơn.
Đoạn đường tại TP Hòa Bình ngập sâu do mưa lớn kéo dài cả ngày 8/9, khiến phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh: H.B. |
Tại Thanh Hóa, mưa lớn liên tục trong ngày 8/9 cũng gây ngập cục bộ tại các tuyến đường ở 3 huyện miền núi Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh với độ sâu 0,35-1,1 m. Một số điểm ghi nhận hiện tượng sạt lở gây tắc đường.
Cụ thể, mưa lớn khiến mực nước sông, suối thuộc huyện Như Xuân dâng cao, nhiều vị trí đập tràn trên tuyến tỉnh lộ 520B bị ngập.
Hiện, các xã Thanh Hòa, Thanh Quân, Thanh Lâm, Thanh Phong bị chia cắt tạm thời với trung tâm huyện. Chính quyền địa phương đã cử người chặn gác không cho người và phương tiện qua điểm ngập để bảo đảm an toàn.
Tại các đập tràn bị nước lũ ngập sâu, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng canh gác không cho người và phương tiện lưu thông qua đập tràn để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Ngoài ra, nước ở sông Quyền dâng cao khiến 119 hộ với 430 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn bị cô lập với bên ngoài, nhiều diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị ngập sâu.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân, địa phương đã có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nếu bị nước lũ cô lập, chia cắt dài ngày.
Mưa lũ khiến nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi của Thanh Hóa bị chia cắt. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Tại huyện Như Thanh, mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua khiến hơn 100 ha lúa mùa bị thiệt hại. Các xã Xuân Thái, Xuân Khang bị ngập nặng, nhiều thôn trên địa bàn bị chia cắt và cô lập với hơn 1.000 hộ dân.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đã lập chốt tại 7 điểm đường tràn để cảnh báo và ngăn không cho người dân đi qua để tránh nguy hiểm và tai nạn đáng tiếc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 8/9 đến đêm 9/9, ở khu vực ven biển, đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp diễn mưa lớn với lượng phổ biến 40-90 mm, có nơi trên 130 mm.
Các khu vực khác của Bắc Bộ được dự báo có mưa rào và dông phổ biến 20-40 mm/ngày, có nơi trên 50 mm.