Thông tin trên được bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, chia sẻ với Zing chiều 13/9.
Chuyên gia cho biết theo mô hình dự báo 10 ngày của Mỹ, một vùng áp thấp khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới hoặc thành bão sẽ vượt qua đất liền miền Trung Philippines để tiến vào Biển Đông trong ngày 20/9.
Theo dự báo ban đầu, ngày 21-22/9, bão có thể đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa và hướng về phía đất liền các tỉnh miền Trung. Dựa theo hướng di chuyển của bão trong thời kỳ này, chuyên gia nhận định bão nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
"Miền Trung vừa hứng đợt mưa lũ do bão số 5 gây ra nên nếu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi bão sắp tới, khu vực có thể hứng chịu đợt mưa lũ gây nguy hiểm trên diện rộng", bà Lan thông tin.
Chuyên gia cung cấp mô hình dự báo cho thấy Biển Đông khả năng xuất hiện thêm bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong khoảng ngày 20-23/9. Ảnh: GFS. |
Ngoài ra, bà Lan nhận định khi bão còn ở trên biển, Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp do hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới kích hoạt cường độ của gió Tây Nam. Vì vậy, mưa lớn khả năng gia tăng ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ vào đầu tuần tới.
"Còn khá sớm để dự báo chính xác diễn biến cơn bão sắp tới. Các kịch bản có thể phải hiệu chỉnh liên tục nhưng cần cảnh báo sớm để người dân chủ động trong ứng phó", chuyên gia nói.
Theo bản tin dự báo tháng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 9, Biển Đông khả năng xuất hiện 2-3 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.
Như vậy, ngoài cơn bão số 5 vừa qua, Biển Đông khả năng có thêm 1-2 xoáy thuận nhiệt đới vào nửa cuối tháng 9.
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi vừa trải qua đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nói thêm về cơn bão số 5 (Conson) vừa ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung trong ngày 11-12/9, bà Lan cho biết hình thái này hoạt động rất bất thường.
Bão sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi đã không đi vào đất liền mà ở trên biển hơn 1 ngày, sau đó tan dần. Điều này xảy ra do không có dòng dẫn đưa áp thấp nhiệt đới vào đất liền.
Ngoài ra, khi tiến vào vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ, áp thấp nhiệt đới chịu ảnh hưởng của không khí lạnh nên thay đổi hướng, hạ trục dịch xuống phía nam. Do đó, hướng đi thực tế của bão khác với dự báo ban đầu.
Chuyên gia cho biết hiện, vùng áp thấp suy yếu từ bão số 5 đã di chuyển sang khu vực nam Lào. Tuy nhiên, địa hình miền Trung có nhiều khu vực đồi núi cao nên lượng hơi ẩm bị giữ lại. Đây là lý do các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục mưa dông đến hết ngày 13/9.