Sáng 21/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết đêm 20/7, địa phương này chưa ghi nhận thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng từ ngày 24/6 đến 20/7 là 1.441.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương này có 30 người mắc Covid-19 tử vong.
Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và một số huyện của tỉnh Sóc Trăng là những nơi có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dịch lây lan nhanh
Long An là tỉnh dẫn đầu số ca mắc Covid-19 ở miền Tây với 2.301 trường hợp. Hiện, 870 ca mắc trong cộng đồng được Bộ Y tế cấp mã số. 1.431 ca chưa được cấp mã số. Ngoài ra, Long An có 16 ca mắc Covid-19 sau khi nhập cảnh.
Đến nay, 92 người đã được điều trị khỏi bệnh ở Long An. Tỉnh này ghi nhận 13 trường hợp mắc Covid-19 tử vong.
Tại Tiền Giang, dịch Covid-19 cũng diễn biến phức tạp với 1.365 người mắc tại 10/11 huyện, thị và thành phố. Ngành y tế ghi nhận thêm một số ổ dịch mới trong cộng đồng. Qua xét nghiệm nhanh, nhiều trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Tỉnh Đồng Tháp đang lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đối với 110.000 người dân tại TP Sa Đéc. Ảnh: An Thuận. |
Trong khi đó, thành phố Cần Thơ ghi nhận 217 trường hợp mắc Covid-19. Chỉ riêng ngày 20/7, thành phố này có 47 ca nhiễm mới, trong đó 2 trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền đã tử vong.
Ở Sóc Trăng, dịch bệnh lan nhanh tại thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên. Sau hơn 2 tuần xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, địa phương vùng bán đảo Cà Mau này có 83 người dương tính với SARS-CoV-2.
Hậu Giang xin chi viện
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 21/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh ký văn bản gửi Thủ tướng, xin hỗ trợ nguồn nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, sau khi thành lập các khu điều trị bệnh nhân.
UBND tỉnh Hậu Giang mong được hỗ trợ khu điều trị hồi sức tích cực (ICU) 60 giường với 8 bác sĩ cấp cứu hồi sức và 12 điều dưỡng. Tỉnh này thành lập bệnh viện dã chiến 500 giường, có nhu cầu hỗ trợ 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang thông báo có thêm 9 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với nCoV của tỉnh lên 49. Bệnh viện Phổi tỉnh Hậu Giang cho biết vừa có 7 bệnh nhân xuất viện trong ngày.
Trao đổi với Zing ngày 21/7, thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phó phòng Hóa học Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho biết chiều nay, lực lượng của đơn vị phối hợp UBND thành phố Cần Thơ phun hóa chất khử trùng phòng, chống dịch Covid-19.
Xe đặc chủng của Quân khu 9 sẽ phun hóa chất làm sạch các trục đường, khu vực lây nhiễm dịch bệnh, nhằm ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Phòng Hóa học Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẽ đưa lực lượng sang Đồng Tháp để phun khử khuẩn các ổ dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo thượng tá Nam, tại Ninh Kiều, phường An Nghiệp, An Hòa, Thới Bình, Xuân Khánh, An Phú, Cái Khế, An Cư, Hưng Lợi, Tân An, An Bình và An Khánh được phun khử khuẩn. Quận Bình Thủy được khử khuẩn một phần phường Trà An và Bình Thủy. Quận Cái Răng, xe đặc chủng phun khử khuẩn đường Trần Văn Trà, Lý Thái Tổ.
“Lực lượng của chúng tôi chuẩn bị sang Đồng Tháp để phun khử khuẩn. Có thể 1-2 ngày nữa, khi tỉnh có văn bản, đơn vị thực hiện ngay”, thượng tá Nam nói.
Công nhân và tiểu thương đã nâng cao được ý thức phòng, chống dịch. Tôi tin Đồng Tháp sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thông tin địa phương này đã thành lập đoàn công tác đặc biệt để tập trung chỉ đạo dập dịch ở thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành.
Trước mắt, Đồng Tháp tiến hành xét nghiệm nhanh cho tất cả người dân tại điểm phong tỏa của thành phố Sa Đéc và những điểm nóng ở huyện Châu Thành, Cao Lãnh, Lấp Vò.
“Chúng tôi sẽ làm đồng bộ; trong đó, sàng lọc ra ca bệnh, làm cho sạch, trường hợp nào có dấu hiệu của bệnh thì xét nghiệm rRT-PCR. Đối với các doanh nghiệp, khoảng 5.000 người sẽ được xét nghiệm rRT-PCR. Thành phố Sa Đéc có khoảng 110.000 người được xét nghiệm”, ông Nghĩa khẳng định.
Đến nay, Đồng Tháp có 31 người mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này thành lập 6 tiểu ban, 2 đội phản ứng nhanh và 6 đội kiểm soát trên sông với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh thật sớm.
“Công nhân trong các doanh nghiệp và tiểu thương ở các chợ đã nâng cao được ý thức phòng, chống dịch. Tôi tin tưởng rằng với phương pháp đang thực hiện, Đồng Tháp sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Theo ông Bùi Quốc Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, dịch Covid-19 tại địa phương này phức tạp vì giáp ranh TP.HCM. Nhiều người dân Long An làm việc tại TP.HCM, đặc biệt là huyện Cần Giuộc, nên nguy cơ lây bệnh lớn.
“Các địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 là Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức vì giáp TP.HCM. Tỉnh đang tập trung xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng tại Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước, Đức Hòa và thành phố Tân An”, ông Dũng nói.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết dịch bệnh tại tỉnh này đang được kiểm soát, số ca mắc Covid-19 giảm từng ngày.
Theo ông Bình, hàng hóa trong tỉnh lưu thông tốt, không ùn tắc tại chốt, vì phân luồng hợp lý. Xe chở hàng hóa từ huyện này sang huyện khác trong tỉnh An Giang vẫn qua chốt bình thường.
“Tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, người dân đồng thuận cao về việc giãn cách xã hội. Tỉnh huy động gạo, mì, lương thực cho các cửa hàng 0 đồng tại tất cả xã, phường, thị trấn. Bà con khó khăn sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nên cuộc sống ổn định”, ông Bình nói.
Tại Sóc Trăng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này ra thông báo về việc phân luồng xanh nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa. Có 7 tuyến đường của tỉnh kết nối với luồng xanh quốc gia là quốc lộ phía nam sông Hậu, quốc lộ 60, 61B, đường tỉnh 940, 932, 933 và 939-938.