Chiều 2/4, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc miễn nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng được thông qua với 91,25% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới. Điều này có nghĩa là ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm vụ của Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước mới, dự kiến vào ngày 5/4.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hơn 2 năm qua, trong hoàn cảnh cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Dù nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc Tổng bí thư luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông giữ chức Tổng bí thư trong 3 khóa (XI, XII, XIII); là Ủy viên Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII đến khóa XIII); Ủy viên Trung ương 7 khóa (từ khóa VII đến khóa XIII) và là đại biểu Quốc hội 4 khóa (từ khóa XI đến khóa XIV).
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (10/2018) - khi đang giữ cương vị Tổng bí thư. Sau rất nhiều nhiệm kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người đứng đầu Đảng, đồng thời cũng là người đứng đầu Nhà nước.
Phát biểu nhậm chức khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tâm trạng "vừa mừng, vừa lo". Mừng vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình.
Nêu 3 lý do cho sự lo lắng của mình, nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cam kết về phần cá nhân sẽ cố gắng hết sức, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước nêu rõ trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Tiểu sử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng); tham gia 7 khóa Ban Chấp hành Trung ương và 6 lần được bầu vào Bộ Chính trị.
Giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để bầu làm Chủ tịch nước
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được miễn nhiệm chức Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nhân sự đề cử Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc cho vị trí này.
Trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chiều 1/4, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc dự kiến được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.