Trong các ngày 20-21/2, không khí lạnh tại Bắc Bộ đã bắt đầu suy yếu khiến nền nhiệt khu vực tăng dần. Trời ấm lên kèm theo độ ẩm không khí cao đã gây ra hiện tượng sương mù.
Tại Hà Nội, sương mù che phủ thành phố suốt cả ngày khiến bầu không khí trở nên âm u.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng này sẽ còn kéo dài trong những ngày tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng. Từ nay đến hết tháng 2, trạng thái chủ yếu tại Bắc Bộ là mưa phùn, sáng sớm có sương mù, trưa và chiều trời nắng.
Tại các tỉnh đồng bằng, nền nhiệt chung dao động trong ngưỡng 17-26 độ C, trời vẫn rét về đêm và sáng. Khu vực duy trì độ ẩm cao khiến tình trạng nồm ẩm tiếp tục xuất hiện.
Những ngày tới, Hà Nội duy trì trạng thái mưa phùn và sương mù. Ảnh: Mỹ Hà. |
Cơ quan khí tượng cho biết vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3, rét đậm vẫn có khả năng xuất hiện nhưng không kéo dài. Năm nay, các tỉnh Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có thể đón nắng nóng sớm.
Tuy nhiên, thời tiết miền Trung sẽ ổn định trong 10 ngày tới với trạng thái mưa vài nơi, ban ngày trời nắng kèm theo sương mù nhẹ rải rác. Nhiệt độ khu vực không quá cao, phổ biến ở 25-29 độ C.
Trong khi đó, các tỉnh Nam Bộ trong thời kỳ tới phổ biến ít mưa. Nền nhiệt cao nhất ở Tây Nam Bộ là 31-34 độ C, khu vực Đông Nam Bộ là 32-35 độ C. Một số nơi có thể xảy ra nắng nóng nhẹ với mức nhiệt trên 35 độ C.
Mực nước ở thượng lưu sông Mekong cũng có xu hướng biến đổi chậm và ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Vào ngày 23-25/2, do ảnh hưởng của triều cường, độ mặn trên các sông ở Nam Bộ có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất.
Cuối tháng 2, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo giảm dần.