Những ngày qua, trong khi các tỉnh miền Bắc chủ yếu trời âm u và mưa nhỏ rải rác cả ngày, nắng nóng xuất hiện trở lại và mở rộng ở miền Nam. Trong những ngày tới, các hiện tượng thời tiết khác nhau lần lượt diễn ra sẽ khiến diễn biến thời tiết ở hai miền có nhiều thay đổi.
Nguyên nhân gây mưa phùn và nồm ẩm
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết ngày 15/3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đón một đợt gió mùa Đông Bắc. Khối không khí lạnh này di chuyển lệch về phía đông và gây mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù cho toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thời gian mưa nặng hạt nhất vào chiều tối, đêm và sáng sớm.
Chuyên gia khí tượng thông tin hiện tượng này chỉ kết thúc khi một trong 3 hiện tượng thời tiết sau đây xảy ra: một, không khí lạnh suy yếu hoàn toàn; hai, một đợt không khí lạnh mạnh khác với đặc trưng không khí khô hơn tăng cường xuống nước ta; ba, một hệ thống thời tiết gây mưa rào diện rộng xảy ra ở khu vực này.
Ông Năng thông báo hiện nay, không khí lạnh đang suy yếu nhanh, đồng thời, trên cao, một hệ thống thời tiết gây mưa rào có khuynh hướng dịch chuyển từ tây sang đông và gây mưa rào diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Bộ trong chiều và đêm 19/3.
Do đó, từ ngày 20/3, tình trạng mưa nhỏ và mưa phùn sẽ chấm dứt trên các khu vực này, nhiệt độ sẽ tăng nhanh và trời hửng nắng vào trưa chiều. Tuy nhiên, hiện tượng sương mù buổi sáng vẫn xuất hiện và hiện tượng nồm ẩm trong các tòa nhà ẩm thấp còn kéo dài trong thời gian tới.
Dự báo thời tiết Hà Nội trong 5 ngày tới. Ảnh: Hoàng Như. |
Sài Gòn nguy cơ ngập lụt do triều cường
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay ngày 18/3, nắng nóng mở rộng trên khu vực các tỉnh miền Đông và một số nơi ở miền Tây. Hiện, nắng nóng có xu hướng duy trì và mở rộng thêm xuống các tỉnh miền Tây, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ngoài ra, đài khí tượng này thông tin trong những ngày tới, mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên và đạt đỉnh vào ngày 22-23/3 (tức ngày 17-18 tháng hai Âm lịch). Đỉnh triều trong đợt này tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,50-1,55 m (xấp xỉ hoặc cao hơn mức báo động 3 là 0,05 m).
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP.HCM có nguy cơ xảy ra ngập lụt trong đợt triều cường này.