Các tỉnh Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vừa trải qua ngày đầu nắng nóng. Hôm qua, nhiệt độ cao nhất quan trắc được tại Mường La (Sơn La) là 38,8 độ C, trong khi mức nhiệt ghi nhận được ở trạm Quỳ Hợp (Nghệ An) là 39,3 độ C, chạm ngưỡng nắng nóng gay gắt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng đã xuất hiện ở nhiều nơi thuộc Sơn La, Hòa Bình, trải dọc xuống các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C.
Hiện, vùng áp thấp nóng phía tây đã phát triển và mở rộng về phía đông nam. Ngày 30/3, hình thái này kết hợp với hiệu ứng phơn khiến nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Lúc này, các tỉnh phía đông bắc bắt đầu xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C. Ngày 31/3, nắng nóng gia tăng trên diện rộng tại khu vực này.
Hà Nội bắt đầu nắng nóng từ ngày mai, 31/3. Ảnh: Việt Linh. |
Theo bản đồ dự báo của cơ quan khí tượng, Hà Nội ghi nhận mức gia tăng nền nhiệt kể từ hôm nay (30/3). Nhiệt độ cao nhất trong ngày là 33 độ C, chưa chạm ngưỡng nắng nóng nhưng người dân bắt đầu cảm thấy không khí oi nóng.
Các ngày 31/3-1/4, nhiều nơi ở Hà Nội sẽ bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay khi nhiệt độ cao nhất lên tới 35-36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 50-60%. Nắng nóng xảy ra cục bộ ở vài nơi và tập trung trong khoảng thời gian từ 12h đến 16h chiều.
Cơ quan khí tượng dự báo đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng kéo dài đến ngày 2/4.
Cảnh báo thêm về chỉ số bức xạ nhiệt trong những ngày tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 30/3-1/4, chỉ số tia UV cực đại ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Chuyên gia khuyến cáo ở những thời điểm có nắng nóng trong ngày, người dân cần phòng tránh các tác hại của tia UV bằng cách bôi kem chống nắng, mặc quần áo dài tay, đội mũ, đeo kính và đeo khẩu trang để giảm thiểu tác hại khi ánh nắng tác động trực tiếp lên da.