Microsoft: sau máy tính bảng sẽ là smartphone?
Microsoft vừa lên tiếng khẳng định họ chưa có kế hoạch sản xuất một dòng smartphone, nhưng chính từ “chưa” mà họ sử dụng đã mang rất nhiều hàm ý.
>>Microsoft phủ nhận tin đồn tự sản xuất smartphone
>>Kịch bản nào cho 'mối lương duyên' Nokia - Android?
>>CEO Nokia bị nghi là 'gián điệp' của Microsoft
Từ ông vua phần mềm trở thành nhà sản xuất phần cứng
Microsoft đặt chân vào lĩnh vực sản xuất thiết bị di động với sản phẩm máy tính bảng Surface. |
19/6/2012, Microsoft chính thức cho ra mắt chiếc máy tính bảng Surface, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của “ông vua phần mềm”: chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất thiết bị di động.
Vô số những ý kiến trái chiều nhau đã được đưa ra sau khi chiếc máy tính bảng ấn tượng của Microsoft ra mắt. Có những người cho rằng, đây là canh bạc của gã khổng lồ ngành phần mềm, bởi họ chưa có bất cứ chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực sản xuất thiết bị cầm tay. Một số khác cho rằng, với vị thế của mình, Microsoft khi cho ra mắt sản phẩm độc đáo của mình sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trên thị trường máy tính bảng vốn đã quá nhàm chán dưới sự thống trị của Apple.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Microsoft Surface đã đánh trúng điểm yếu của rất nhiều dòng sản phẩm máy tính bảng đang có mặt trên thị trường, trong đó có cả iPad. Máy được thiết kế đẹp mắt, cấu hình mạnh mẽ, tích hợp cả chân đế và bàn phím ngoài dưới dạng vỏ cover thông minh, nhiều khả năng sẽ là một sản phẩm đột phá trong nửa cuối năm 2012.
Rất có thể mức độ thành công của máy tính bảng Surface sẽ là nhân tố quyết định để Microsoft tiến thêm một bước trong lĩnh vực sản xuất phần cứng: cho ra đời một dòng smartphone của riêng mình.
Nhanh chân nếu không muốn tụt hậu
Microsoft đã lên tiếng phủ nhận sau khi xuất hiện những thông tin cho rằng họ đang âm thầm sản xuất một dòng smartphone nhưng có thể đó chỉ là động thái trấn an các đối tác sử dụng hệ điều hành Windows Phone của họ. Không nhiều người tin rằng Microsoft sẽ bỏ qua lĩnh vực này khi mà đã “trót” nhúng chân vào thị trường máy tính bảng.
Có nhiều lý do để tin vào việc, công ty của chủ tịch Bill Gates sẽ sản xuất smartphone hay ít nhất, thâu tóm một hãng sản xuất thiết bị di động để cho ra đời điện thoại thông minh mang thương hiệu Microsoft.
Hai đối thủ lớn nhất của họ - Apple và Google đều đang trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái của mình, tạo ra một quá trình khép kín từ sản xuất phần cứng, cung cấp hệ điều hành và ứng dụng cho đến phân phối sản phẩm.
Với Apple, từ lâu họ đã đi theo xu hướng này với các dòng sản phẩm iPhone, iPad và máy Mac trong khi thương hiệu Nexus của Google cũng đang dần tạo được hiệu ứng tích cực, đặc biệt là sau khi hãng này cho ra mắt chiếc máy tính bảng Nexus 7 với cấu hình mạnh mẽ và mức giá siêu rẻ chỉ 200 USD.
Điện thoại Samsung Galaxy Nexus (trái) và máy tính bảng Nexus 7 (phải) đều là những sản phẩm được đánh giá rất cao của Google. |
Xu hướng sản xuất và cung cấp sản phẩm theo chu trình khép kín đã thể hiện những ưu thế vượt trội, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Tự mình sản xuất, tự mình tạo ra một hệ sinh thái, đồng nghĩa với việc, tính thống nhất của sản phẩm sẽ được nâng lên mức cao nhất, góp phần tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên sản phẩm.
Microsoft trước giờ vẫn luôn đứng ngoài, cung cấp phần mềm cho các đối tác để họ tự sản xuất và phân phối sản phẩm nhưng đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn, có vẻ như họ sẽ đi theo xu hướng tất yếu, nếu không muốn tụt hậu so với hai đối thủ sừng sỏ là Apple và Google.
Theo những động thái mới đây trên thị trường, người ta nghiêng về khả năng Microsoft sẽ vung tiền thâu tóm một hãng sản xuất thiết bị di động hơn là nhờ một đối tác sản xuất thiết bị cho mình, giống như cách mà Google đã làm.
Ai sẽ là “con mồi” của “gã thợ săn” Microsoft
Dễ dàng điểm mặt 2 “con mồi” lớn nhất của “ông trùm” ngành phần mềm chính là Nokia và RIM, những hãng sản xuất điện thoại đang ngập trong khủng hoảng nhưng vẫn còn đầy tiềm năng để khai thác.
Với RIM, thương hiệu BlackBerry của họ vốn đã quá nổi tiếng trong cộng đồng người dùng doanh nhân. Ngay cả khi dòng điện thoại với bàn phím QWERTY của họ không còn thịnh hàng, vẫn còn vô số người dùng ưa chuộng BlackBerry hơn cả những iPhone hay điện thoại Android.
Việc RIM công bố trì hoãn ra mắt hệ điều hành BlackBerry 10 đã gây ra những hiệu ứng vô cùng xấu, đến mức CEO Thorsten Heins phải ngay lập tức đăng đàn trấn an rằng công ty không có gặp bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, hãng này chưa thể khôi phục lại vị thế của mình, ít nhất cho đến thời điểm quý I/2013.
CEO Steve Ballmer của Microsoft được cho là đã có vài cuộc “nói chuyện” với bộ sậu của RIM bàn về tương lai của cả hai. Không loại trừ khả năng, bước đi đầu tiên của hãng phần mềm danh tiếng sẽ là vung tiền, hỗ trợ RIM sản xuất điện thoại, với điều kiện phải sử dụng nền tảng Windows Phone, giống với những gì hãng đã làm với Nokia hồi năm 2011 trước khi thương hiệu BlackBerry chính thức “sang tên đổi chủ”.
Liệu Nokia có rơi vào tay Microsoft? |
Tuy nhiên, nếu nói như vậy Nokia sẽ là đối tác mà Microsoft dễ dàng thâu tóm hơn bởi họ đã “cắn câu” Microsoft từ cách đây hơn một năm. Trên thực tế, Nokia cũng được đánh giá cao hơn RIM rất nhiều về mặt tiềm năng. Về phần cứng, hãng này sở hữu một đội ngũ thiết kế gồm rất nhiều những nhân vật tài năng, có khả năng cho ra mắt những sản phẩm đình đám, phá vỡ giới hạn của những sản phẩm đang có mặt trên thị trường.
Thêm vào đó, hãng sản xuất điện thoại Phần Lan cũng sở hữu hơn 30.000 bằng sáng chế các loại, thứ mà bất cứ “ông lớn” nào đều thèm khát. Thâu tóm Nokia, Microsoft sẽ tự tạo cho mình một tấm lá chắn vững chắc trong cuộc chiến pháp lý đang ngày càng quyết liệt hiện nay.
Mọi chuyện hiện vẫn nằm trong vòng bí mật nhưng nếu Microsoft có ý định nghiêm túc trong việc sản xuất smartphone, người dùng sẽ được chứng kiến những cuộc đối đầu thú vị giữa ba hãng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay là Apple, Google và Microsoft. Ở đó, họ chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất.
Thành Duy
Theo Infonet.vn