Dòng máy Mac, MacBook mới của Apple trang bị vi xử lý M1 trên nền ARM đã gây chú ý trong thời gian qua, nhờ hiệu năng không mấy thua kém so với Mac dùng CPU Intel, trong khi thời lượng pin vượt trội. Nhiều báo công nghệ đánh giá đây là kết quả của một quá trình "tự hủy" dài, khi Intel không thể đưa ra vi xử lý đáp ứng kỳ vọng đối tác.
Sau Apple, Microsoft có thể là công ty tiếp theo chuyển sang sử dụng các vi xử lý nền ARM. Theo Bloomberg, công ty phần mềm lớn nhất thế giới đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Intel khi tự thiết kế chip trên nền ARM, để sử dụng trên các máy chủ và máy tính cá nhân của mình.
Microsoft đang sử dụng cả CPU Intel lẫn ARM trên dòng sản phẩm Surface. Ảnh: The Verge. |
Khác với Apple, nỗ lực của Microsoft có thể tập trung hơn vào chip máy chủ, một trong những mảng kinh doanh mang về doanh thu tốt nhất của Microsoft. Trong ngành điện toán đám mây, tối ưu phần cứng cho máy chủ không còn xa lạ. Amazon, công ty lớn trong ngành này cũng đang trong giai đoạn thiết kế, tự tạo ra con chip của mình.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết nhóm phát triển chip sẽ báo cáo trực tiếp cho Jason Zander, người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây Azure của Microsoft, thay vì giám đốc phần cứng Surface Panos Panay. Tuy nhiên, con chip dành cho máy tính cá nhân vẫn là một ý tưởng có thể thành hiện thực.
"Silicon là một thành tố quan trọng của công nghệ, và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình ở lĩnh vực thiết kế, sản xuất và các công cụ, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với nhiều nhà cung cấp chip", đại diện của Microsoft phản hồi về thông tin này.
Vài năm nay, Microsoft đã đẩy mạnh tuyển dụng các kỹ sư vi xử lý từ những công ty lớn như Intel, AMD, Nvidia hay Qualcomm. Trong mảng máy chủ, dòng chip Intel Xeon vẫn đang chiếm ưu thế với khoảng 90% thị phần. Đây cũng là mảng mang lại doanh thu lớn nhất của Intel, khi giá bán lẻ mỗi con chip có thể lên tới cả chục nghìn USD.
AMD trong vài năm nay đã chiếm được thêm thị phần CPU máy chủ, nhưng vẫn là con số nhỏ so với Intel. Qualcomm đã dừng theo đuổi dòng chip máy chủ Centriq từ năm 2018.
Con chip Microsoft SQ1 (bên phải) do hãng thiết kế cùng Qualcomm, so kích thước với vi xử lý AMD Ryzen 7 dùng trên Surface Laptop 3. Ảnh: The Verge. |
Nhu cầu xử lý trí tuệ nhân tạo là một trong những lý do khiến các khách hàng máy chủ lớn như Microsoft tìm cách tự phát triển con chip của mình. Bên cạnh đó, các thiết kế của ARM cũng cho hiệu quả năng lượng tốt hơn, và đây là khía cạnh tốn kém nhất của các hệ thống điện toán đám mây.
Dòng sản phẩm cá nhân Surface của Microsoft sử dụng cả vi xử lý Qualcomm trên nền ARM và Intel. Những mẫu Surface RT từ năm 2012 đã dùng chip Qualcomm, nhưng không được chuộng với bản Windows RT.
Năm 2019, hãng ra mắt mẫu Surface Pro X dùng chip SQ1 được phát triển cùng với Qualcomm, và năm nay nâng cấp lên bản mới dùng chip SQ2. Microsoft đã phát triển phiên bản Windows tương thích với vi xử lý nền ARM, do vậy việc chuyển sang chip tự phát triển có thể không phải rào cản lớn. Trước đó, Apple đã phải phát triển giải pháp giúp phần mềm MacOS tương thích với vi xử lý mới mà không cần phát triển lại.