Kể từ ngày đầu ra mắt, điện thoại thông minh đã có những thay đổi đáng kể không chỉ về phần cứng mà còn có sự tinh chỉnh đối với phần mềm. Duy chỉ có một điều bất biến, đó chính là việc sử dụng các phần mềm điện thoại của người dùng.
Từ cách sắp xếp và bố trí menu dạng lưới tới việc mở - thoát ứng dụng, hầu như không có sự thay đổi trong suốt hai thập kỷ qua. Mô típ này lặp lại ở tất cả các sản phẩm của những nhà sản xuất smartphone hàng đầu hiện nay. Để lịch sử smartphone bước sang một trang mới, thay đổi tư duy là điều hết sức cần thiết.
CEO Apple - Tim Cook phát biểu tại Hội nghị hàng năm về phát triển toàn cầu – WWDC. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2010, Microsoft lần đầu tiên đưa ra câu trả lời cho vấn đề này bằng việc mang Windows Phone đến với hệ sinh thái của hãng. Các ứng dụng được tải về được tự động thêm vào trong một danh sách có sẵn, giúp người dùng quản lý và sử dụng dễ dàng hơn. Màn hình chính được thiết kế với các ô gạch có khả năng hiển thị thông tin của ứng dụng (live tiles) thay vì thiết kế dạng grid (lưới).
Sự thay đổi này mang lại tính lưu động của dữ liệu trên điện thoại. Tiêu biểu có thể kể đến dòng Lumia của ông lớn vùng Redmond khi có thể sử dụng thông tin theo nhiều cách khác nhau. Người dùng có thể di chuyển tin nhắn đang đọc vào danh bạ tương ứng, đồng thời sử dụng cho email và đồng bộ với album ảnh.
Khả năng bảo mật và tùy biến dữ liệu tuyệt vời trên Lumia. |
Nhưng thật sai lầm khi Microsoft không lường trước được phản ứng của giới công nghệ tại thời điểm ra mắt. Sự thay đổi này quá mới mẻ trong khi mọi người đã quen với cách thức tương tác hiện tại. Để không bị loại khỏi cuộc đua, cựu CEO của Microsoft - Steve Ballmer quyết định từng bước thay đổi các ô gạch sang dạng lưới các biểu tượng ứng dụng như truyền thống từ trước đến nay.
Dù vẫn duy trì thiết kế trên cho Windows 10 với cả hai nền tảng smartphone và máy tính để bàn, song hệ điều hành này vẫn chưa đủ khả năng để thu hút người dùng.
Để thay đổi cuộc chơi, người ta cần sự đột phá đến từ các tên tuổi phổ biến hơn như Android của Google hay iOS của Apple. Khả năng điều khiển bằng giọng nói là một trong những dấu hiệu rõ nét cho thấy sự thay đổi dần về tư duy tương tác với ứng dụng ở nhà sản xuất.
Người dùng tham gia trải nghiệm chiếc Nexus 5X trong một sự kiện truyền thông của Google. Ảnh: Getty Images. |
Tại WWDC 2016, Apple sử dụng Siri như một cách thức tiếp cận ứng dụng mới trên iPhone. Tim Cook – CEO đương nhiệm đồng thời mong muốn áp dụng tương tự với các nền tảng khác khi đưa cô nàng trợ lý ảo đến với hệ điều MacOS và watchOS.
Tuy nhiên ít ai biết, Siri và Google Now thực chất cũng chỉ là những sản phẩm “sinh sau đẻ muộn” so với Microsoft Bob và Clippy.
Bob và Clippy là những ứng dụng "yểu mệnh" do chưa thể thay đổi thói quen của người dùng. |
Microsoft Bob gần như chẳng khác biệt mấy so với Siri về mặt tính năng, tuy nhiên nó có giao diện dạng... hoạt hình nên không giành được thiện cảm của ngay cả ban giám đốc công ty.
Clippy thậm chí còn xuất sắc hơn, có khả năng tính toán, thậm chí đoán trước và sắp xếp được nội dung yêu cầu để hiển thị, một chức năng mà ngay cả Google Now hiện tại cũng chưa hoàn thiện.
Thế nhưng, để các công nghệ này thực sự hữu ích, nhóm phát triển cần cải tiến nhiều hơn trong tương lai.
Ngoài ra, Microsoft còn mang đến các sản phẩm đi trước thời đại như MSN TV (SmartTV), Windows Mobile (Smartphone), SPOT (Smartwatch)… mở đầu những xu thế công nghệ mà mãi tới sau này mới được phát triển thành những ngành kinh doanh.
Có thể tại thời điểm này, người dùng đã quá ngán ngẩm với Windows 10 hoặc hết kiên nhẫn với điện thoại thông minh Windows Phone. Song không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Microsoft trong việc định hình sự phát triển của nền khoa học - công nghệ thế giới. Và quan trọng hơn cả, gã khổng lồ của nước Mỹ chưa bao giờ ngừng gây bất ngờ với những ai yêu mến cái tên Microsoft trong suốt bốn thập kỷ qua.