Trong 500 người được khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với các chợ truyền thống còn lên đến hơn 60%.
"Nhiều người tin rằng chợ truyền thống là nơi dễ lây lan virus corona, do đó sức tiêu thụ các mặt hàng tươi sống như thịt, hải sản, rau củ sụt giảm rõ rệt. Số lần đi chợ, siêu thị giảm đi nên giá trị giỏ hàng buộc phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu tích trữ. Bởi vậy, thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh trở thành những lựa chọn hàng đầu", ông Mohit Agrawal - Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của Nielsen chia sẻ.
Người dân có xu hướng mua nhiều thực phẩm đóng gói, đông lạnh để tích trữ trong mùa dịch. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tỷ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh hiện nay là 67%, trong khi với thực phẩm đông lạnh là 40%. Mặc dù vậy, ông Mohit cho rằng những xu hướng này chỉ là tạm thời: "Sau khi dịch bệnh qua đi, người dân bình tĩnh lại, họ sẽ quay về ăn thực phẩm tươi sống, bởi suy cho cùng, đó vẫn là thói quen của người Việt".
Trong những ngành hàng ghi nhận tăng trưởng trong giai đoạn này, ông Mohit đánh giá tiềm năng dài hạn ở các mặt hàng chăm sóc cá nhân và vệ sinh nhà cửa. Nước súc miệng, sản phẩm chăm sóc cơ thể và khăn giấy lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 78%, 45% và 35%.
"Chú trọng đến sức khỏe là thói quen tốt, cần duy trì lâu dài. Vấn đề là làm sao doanh nghiệp nắm bắt được xu thế này, và thực hiện các chiến dịch truyền thông hiệu quả để khách hàng nhìn thấy được sự cần thiết sử dụng trong tương lai, đồng thời đưa ra nhiều dòng sản phẩm với mức giá hợp lý để thu hút khách hàng", ông đánh giá.
Với kết quả ghi nhận được, vị chuyên gia nghiên cứu này cho rằng doanh nghiệp bán lẻ cần duy trì nguồn cung các mặt hàng đang được ưa chuộng. Khi khách hàng quen mua sắm tại các điểm bán này, họ sẽ có xu hướng duy trì thói quen kể cả khi dịch bệnh đã đi qua.