"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ duy trì hoặc nâng cao tiêu chuẩn, và sẽ không có ngoại lệ, không có sự đối xử đặc biệt”, Nikkei Asia dẫn lời Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, thuộc Bộ Kinh tế Mexico, Luz María de la Mora.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 10 rằng Mexico "hoan nghênh" Trung Quốc tham gia Hiệp định CPTPP, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà de la Mora cho biết "các cuộc đàm phán và thực thi CPTPP là (trách nhiệm) của Bộ Kinh tế”.
"Chưa có quyết định nào được đưa ra", Thứ trưởng de la Mora nói, sau khi lưu ý rằng Mexico sẽ xem xét đơn gia nhập của Trung Quốc thông qua một quy trình phức tạp, cần "tập trung với nhiều việc phải làm và phân tích”.
CPTPP gồm 11 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 9. Để tham gia hiệp định, Trung Quốc sẽ cần tất cả thành viên của hiệp định thương mại đồng ý.
"Chúng ta còn rất xa mới đến được đó”, bà de la Mora nói.
Một yếu tố phức tạp khác là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, có hiệu lực vào năm 2020, yêu cầu một thành viên thông báo cho các thành viên khác nếu họ có ý định đàm phán hiệp định thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường - điều mà Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu Washington có ngăn cản nỗ lực tham gia CPTPP của Trung Quốc hay không, bà de la Mora cho biết Mexico tôn trọng và hành động trên nguyên tắc độc lập của khối.
“Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc có gia nhập hay không sẽ do 11 thành viên CPTPP cùng quyết định”, bà nói.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau đó, Mỹ rút khỏi hiệp định này trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump. Hiệp định nói trên được đổi tên thành CPTPP.
CPTPP hiện có 11 thành viên, bao gồm Việt Nam. Để tham gia hiệp định này, các quốc gia phải đàm phán về quy định thuế quan, cũng như các điều kiện trong việc tiếp cận thị trường của nhau.