Một ngày trước khi thị trường chuyển nhượng mùa đông 2021 đóng cửa, hợp đồng của Messi với Barca bị rò rỉ. Những thông tin được giật ra trang nhất của tờ El Mundo trở thành một “quả bom” làm rung chuyển bóng đá Tây Ban Nha.
Vài cổ động viên Barca bất bình trước số tiền khổng lồ mà đội bóng xứ Catalonia trả cho Leo. El Mundo bình luận số tiền mà Messi nhận trong hợp đồng đã góp phần hủy hoại Barca.
Messi dọa kiện ban lãnh đạo Barca. Mùa giải vẫn đang diễn ra, và siêu sao người Argentina phải lao vào cuộc chiến mới với ban lãnh đạo đội bóng.
Bản hợp đồng gây tranh cãi
El Mundo tuyên bố số tiền mà Barca phải trả cho Messi cho đến khi kết thúc hợp đồng đã ký Barca vào năm 2017 là hơn nửa tỷ euro. Tờ báo này thậm chí còn đưa con số cụ thể đến từng số lẻ (555.237.691 euro) ra trang nhất.
Barca trả 138 triệu euro/mùa tiền lương trước thuế kèm thưởng cho Messi. Leo nhận thêm 78 triệu euro tiền trung thành. Barca cũng trả thêm 115 triệu euro để Messi đồng ý ký hợp đồng.
Một tuần trước, Barca công bố báo cáo tài chính cuối năm. Đội bóng này nợ ngập đầu, thậm chí có nguy cơ phá sản. Barca nợ tổng cộng 1,2 tỷ euro. Trong khi đó, họ sắp trả đủ 555 triệu euro cho Messi trong hợp đồng có thời hạn đến tháng 6/2021. Nhiều người coi đó là một nghịch lý.
Messi và cựu chủ tịch Bartomeu ký hợp đồng vào năm 2017. Ảnh: FC Barcelona. |
Thu nhập của Messi trong bản hợp đồng 4 năm tại Barca, gần bằng một nửa tổng nợ kỷ lục của CLB. Nếu bóng đá vẫn luôn được coi là một môn thể thao tập thể, còn các CLB bóng đá được xem như những công ty, thì cách Barca trả mức thu nhập khổng lồ cho Messi là chưa có tiền lệ.
Tiền phí trung thành và phí khi ký hợp đồng của Messi lên tới hơn 193 triệu euro. Thuế thu nhập cá nhân ở Tây Ban Nha là 45%, vì thế lương của Messi rơi vào khoảng 75 triệu euro/năm. Đây là mức thu nhập cao kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới.
Tháng 2/2020, L'Equipe tiết lộ Neymar nhận lương 48,9 triệu euro/năm (sau thuế) tại PSG. Trước đó một năm, Gazzetta dello Sport tiết lộ Cristiano Ronaldo nhận 31 triệu euro/năm (sau thuế) tại Juventus.
Chi tiết bản hợp đồng của Messi được tung ra trong bối cảnh Barca gặp khó khăn về tài chính ngay lập tức tạo hiệu ứng trái chiều.
Theo khảo sát của ESPN, 45% CĐV bóng đá xứ Catalonia được hỏi tin rằng số tiền mà Barca trả cho Messi quá cao. Từ mức lương, thưởng, cho đến các khoản phí khác, nhiều người tin rằng hơn nửa tỷ euro mà Barca trả cho Messi là quá cao so với tiêu chuẩn của ngành công nghiệp bóng đá.
Khi Messi bị tấn công
Việc Messi muốn kiện vì các thông tin hợp đồng của anh bị tiết lộ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Hình ảnh của Messi trong mắt các cổ động viên đã xấu đi ít nhiều. Để giữ chân Leo, Barca phải trả một cái giá rất đắt.
Chi tiết hợp đồng của Barca với Messi từng bị Football Leaks tiết lộ từ 3 năm trước. Kể từ đó đến nay, người trong cuộc chưa bao giờ lên tiếng phản bác tiết lộ của Football Leaks.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao El Mundo lại tung thông tin hợp đồng của Messi vào lúc này? Trong bối cảnh Barca vừa công bố tình hình tài chính bi đát, việc thu nhập của Messi bị tiết lộ không khác gì mũi dao hướng về phía cầu thủ mang áo số 10.
Bên cạnh đó, bài báo của El Mundo cũng được tung ra trong thời điểm thị trường chuyển nhượng mùa đông của bóng đá châu Âu sắp đóng cửa. Nếu Messi hờn giận mà ra đi ngay lập tức, siêu sao người Argentina cũng không có cơ hội.
Rất nhiều thuyết âm mưu được người ta đặt ra khi hợp đồng của Messi bị rò rỉ. Bất kể điều gì là thật, thì Messi cũng đang rất tức giận. Anh dọa kiện những ai đã để lộ bản hợp đồng cho báo chí.
Marca và El Pais khẳng định chỉ có 5 thành viên ban lãnh đạo Barca biết thông tin chi tiết về hợp đồng của Messi. Ba trong số đó là cựu chủ tịch Josep Bartomeu, CEO Oscar Grau và chủ tịch tạm quyền Carles Tusquets.
Truyền thông Tây Ban Nha tiết lộ Grau và Tusquets là hai người có khả năng cao trong việc làm rò rỉ tin cho báo chí. Việc ban lãnh đạo Barca mượn báo chí để làm rò rỉ các thông tin gây bất lợi cho cầu thủ là chiến thuật không có gì mới.
Dưới thời cựu chủ tịch Bartomeu, ban lãnh đạo Barca từng nhiều lần “ê mặt” khi thông tin họ dùng truyền thông tấn công cầu thủ bị để lộ. Tháng 3/2020, “Barcagate”, một trong những scandal truyền thông lớn nhất lịch sử đội chủ sân Camp Nou bùng nổ.
Bartomeu và các cộng sự bị phát hiện thuê một công ty tên I3 Ventures từ năm 2017. Họ trả 6 hóa đơn khác nhau với tổng cộng chi phí gần 1 triệu euro, để I3 Ventures đăng những tin tiêu cực về Messi, Pique, Guardiola, Xavi hay các đối thủ chính trị của Bartomeu.
Sau sự cố đó, Bartomeu phủ nhận mọi việc và tiến hành “thanh trừng” các thành viên ban lãnh đạo đội bóng. Cuộc thanh trừng này cũng khiến Emili Rousaud, phó chủ tịch Barca thừa nhận vụ “Barcagate” có thật.
Khi Messi gặp Ronald Koeman lần đầu vào tháng cuối tháng 8/2020, những phương tiện truyền thông có mối liên quan mật thiết với Bartomeu liên tục làm rò rỉ các thông tin bất lợi cho cầu thủ. Họ muốn biến Messi trở thành “quả táo thối” trong phòng thay đồ Barca.
Dù Bartomeu đã từ chức, người ta không khó để nhận ra vị cựu chủ tịch này có thể đã sử dụng chiêu thức cũ để bôi nhọ hình ảnh của Messi. Leo đã công khai chống Bartomeu, khi nộp đơn ra đi cũng như phát biểu công khai trước truyền thông vài tháng trước.
Sự giận dữ của Messi cũng là một trong những nguyên nhân khiến Bartomeu phải từ chức chủ tịch Barca sớm. Khi Bartomeu bị hạ bệ, cộng sự thân thiết của ông là Carlos Tusquets lên nắm quyền.
Một tháng trước, Tusquets tuyên bố nếu cân nhắc các lợi ích kinh tế, có lẽ Barca nên bán Messi trong phiên chợ đông 2021 để giảm áp lực cho quỹ lương. HLV trưởng Ronald Koeman sau đó tỏ ý thất vọng về phát biểu của vị chủ tịch tạm quyền. “Ai có thể quyết định tương lai của Messi lúc này, ngoài cậu ấy cơ chứ”, Koeman nói.
Sự thật là vào mùa hè tới, xác suất Messi ở lại Barca khi hợp đồng hiện tại hết hạn cao ngang ngửa khả năng anh sang PSG hay Man City. Barca là nhà của Messi và ngược lại, Leo có tình cảm sâu sắc với CLB.
Nhưng con số thu nhập mà El Mundo tung ra trên trang nhất có thể sẽ đẩy Messi ra xa Barca hơn. Ở một khía cạnh khác, ban lãnh đạo hiện tại của Barca rõ ràng đã tiếp tục duy trì truyền thống dưới thời Bartomeu. Họ làm rò rỉ các thông tin cho truyền thông nhằm đạt được mục đích của mình.
Bất chấp những vấn đề bên ngoài sân cỏ, Messi vẫn ghi bàn giúp Barca chiến ở trước Bilbao ở vòng 20 La Liga. Ảnh: Getty. |
Vòng xoáy quyền lực mới
Dù đã từ chức, người ta khó mà biết Bartomeu và các cộng sự tiếp tục toan tính gì trong cuộc chiến quyền lực mới tại sân Camp Nou.
Cuộc bầu cử chủ tịch mới của Barca đã bị hoãn. Joan Laporta và Victor Font đang là hai ứng viên có khả năng cao ngồi vào ghế chủ tịch CLB xứ Catalonia. Laporta và Font cũng là hai đối thủ từng bị Bartomeu “bôi nhọ” trong vụ Barcagate.
Ứng viên số 1 cho ghế chủ tịch Barca, Laporta đã bày tỏ sự thất vọng khi cuộc bầu cử chủ tịch mới của đội bóng bị trì hoãn.
Laporta tin rằng việc trì hoãn bầu cử chủ tịch chỉ khiến khả năng Messi rời CLB ngày một lớn. Font đồng ý với quan điểm này. Sau khi hợp đồng của Messi bị rò rỉ, Font tuyên bố "Leo xứng đáng với từng xu trong hợp đồng mà Barca đã trả".
Cả Laporta và Font đều coi việc giữ chân Messi trong thời gian tới là ưu tiên. Quyết định đi hay ở của Leo là một trong những quân bài quan trọng cho chiến lược tranh cử của các ứng viên chủ tịch Barca.
Laporta và Font có lý. Đổ lỗi cho Messi vì tình hình tài chính của Barca chẳng khác gì một người lính cứu hỏa bỗng dưng bị đám đông chỉ trích vì đám cháy.
Messi là thương hiệu giúp Barca tăng doanh thu. Trên sân cỏ, anh vẫn là hoa tiêu giúp con tàu Barca vượt qua khó khăn. Ở vòng 20 La Liga diễn ra cuối tuần qua, Messi tiếp tục ghi bàn giúp Barca vượt qua đối thủ khó chơi Athletic Bilbao.
Messi rõ ràng đang trở thành nạn nhân trong cuộc đấu đá, thậm chí có thể coi là cuộc trả thù nơi thượng tầng đội bóng xứ Catalonia. Leo mắc kẹt vào vòng xoáy của cuộc tranh đoạt quyền lực chưa có hồi kết.
Siêu sao người Argentina từng nhiều lần nói anh chỉ muốn tập trung vào bóng đá. Messi chưa bao giờ thật sự thoải mái với những cuộc đấu đá nơi thượng tầng. Nhưng ngày nào còn chơi bóng ở Camp Nou, anh sẽ không bao giờ thoát khỏi điều đó.