Messi cầm đầu nhóm kiêu binh buộc Guardiola rời Barca
Một đám “kiêu binh nổi loạn” do Lionel Messi cầm đầu công khai chống lại Pep Guardiola, biến cố này càng đẩy vị tướng xứ Catalan lại gần hơn với Joan Laporta, nhân vật đang âm mưu đánh bật kẻ thù số 1 - Sandro Rosell ra khỏi Nou Camp.
>> Ghi 4 bàn, ‘Siêu Messi' gửi lời tri ân tới Guardiola
>> Mourinho không phải lý do khiến Guardiola ra đi
>> Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Guardiola ở Barca
>> Barca bổ nhiệm Tito Vilanova thay Guardiola
Tướng quân mưu phản
“Tôi cảm thấy mệt mỏi và cần thời gian nghỉ ngơi” - lời giã từ của Pep Guardiola với Bercelona sau 4 năm vinh quang trong cuộc họp báo chỉ có thế. Chủ tịch Sandro Rosell thông cảm và lên tiếng cảm ơn Pep. Các ngôi sao Barcelona nghẹn ngào rơi lệ. Nhưng theo Antony Kastrinakis - nhà báo nổi tiếng người Anh từng theo sát mọi biến cố ở Nou Camp thì chỉ những giọt nước mắt của người Catalan là không giả tạo. Vì phòng bầu dục ở Nou Camp không đơn giản như vậy khi cuộc chiến giữa 2 kẻ thù không đội trời chung Joan Laporta và Sandro Rosell vẫn chưa kết thúc.
Tháng 6/2010, Joan Laporta buộc phải rời Nou Camp vì hết nhiệm kỳ và ông luật sư lắm mưu sâu, nhiều kế hiểm người Catalan ra sức lăng xê cho phó tướng Xavier Sala I Marti kế nhiệm nhằm dọn đường trở lại Nou Cam vào nhiệm kỳ kế tiếp. Nhưng kế hoạch của Joan Laporta đã bị đối thủ Sandro Rosell đánh bại bằng một cú đấm mang tên chính sách Cesc Fabregas. Vậy khi kẻ thù Rosell đã bịt kín mọi cánh cổng, Laporta làm thế nào để trở lại Nou Camp?
Joan Laporta đã nghĩ tới Pep Guardiola. Đúng vậy, Pep đã biến Barcelona trở thành đội bóng mạnh nhất thế giới vào thời điểm này, nhưng chính Laporta đã đưa Pep đến Nou Camp, khi nhà cầm quân người Catalan vẫn còn là một vị tướng trẻ vô danh.
Messi khiến Pep phải ra đi |
Theo Antony Kastrinakis, đầu tháng 10/2011, Pep Guardiola và ông chủ cũ Laporta đã có cuộc gặp gỡ bí mật trong nhà hàng Casa Marti tại Barcelona. Rồi chuyện gì xảy ra? Trong cuộc họp báo tuyên bố ra đi hôm 27/04 vừa qua, Pep khẳng định: “Không phải bây giờ, mà từ tháng 10 năm ngoái, tôi đã nói với Chủ tịch Rosell là tôi chỉ có thể gắn bó với Barcelona đến hết mùa giải”.
Thế là từ tháng 10/2011, Rosell biết Pep đã theo phe Joan Laporta, có “âm mưu làm phản” và họ bắt đầu “kênh” nhau. Mâu thuẫn giữa Rosell cùng “bộ sậu” và Pep lên tới đỉnh điểm, khi Rosell tuyên bố muốn mua Neymar, nhưng Pep lại từ chối. Thậm chí, nhà cầm quân người TBN từng lên tiếng “thất vọng” vì BLĐ Barcelona không tin tưởng và tôn trọng ông trong vấn đề chuyển nhượng.
“Kiêu binh nổi loạn”
Khi “tướng” Pep Guardiola đã đứng hẳn về Joan Laporta trong cuộc tái đấu vào tháng 6/2013 tới, Sandro Rosell hiểu rằng ông sẽ thất bại nếu không được “lòng quân” ở Nou Camp. Zlatan Ibrahimovic - chân sút phải rời Nou Camp đến Milan vì không được Pep trọng dụng từng tiết lộ với báo giới Italia về “lòng quân” ở Barcelona rằng: “Họ (các cầu thủ Barca) hiền như đất, nên Pep Guardiola nói gì họ cũng nghe và làm theo”. Tuy nhiên, bằng quyền lực của mình, Rosell biết làm thế nào để biến những ngôi sao hiền lành như Messi không còn hiền lành với một vị tướng đã mang trong mình tư tưởng phản loạn của Joan Laporta.
Tại sao Messi liên tục có những dấu hiệu “bất tuân thượng lệnh” trong thời gian gần đây, đặc biệt là hành động vắng mặt trong buổi tập của Barcelona trước trận bán kết lượt về Champions League với Chelsea? Tại sao Messi - ngôi sao luôn miệng nói Pep là ông thầy vĩ đại nhất lại vắng mặt trong buổi họp báo công bố Pep Guardiola ra đi?
Cuộc chiến giữa Joan Laporta và Sandro Rosell chưa có hồi kết |
Nou Camp bắn tin: Messi vắng mặt vì không muốn chứng kiến phút giây chia tay của Pep. Nhưng hàng loạt tờ báo TBN và Pháp lại khẳng định: Messi - kẻ cầm đầu nhóm “kiêu binh nổi loạn” tại Nou Camp dưới sự chỉ đạo của Rosell đã… khinh không thèm đến.
Ngày hôm qua, Barcelona làm lễ chia tay Pep rất cảm động tại Nou Camp trong trận đấu với Espanyol ở vòng áp chót La Liga. Sau trận đấu, Pep và… những người ở lại đều dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất trước các cule. Pep còn lên tiếng khẳng định, giữa ông và Messi không có bất cứ mâu thuẫn nào.
Một cuộc chia tay đẹp! Vì Sandro Rosell cần phải tôn vinh Pep - nhà cầm quân mà các cule đã xem như một bậc Thánh. Cuộc chia tay cảm động này dĩ nhiên rất vừa ý Joan Laporta. Bởi vào tháng 06/2013 tới, khi vị luật sư Laporta dùng cương lĩnh tranh cử đại khái như “Tôi sẽ đưa Pep trở lại” thì có cule nào không vỗ tay tán thưởng?
Sandro Rosell và Joan Laporta xứng đáng là một cặp kỳ phùng địch thủ. Nhưng trong cuộc chiến “nồi da xáo thịt” chưa bao giờ có hồi kết của họ, ai là nạn nhân: Pep Guardiola, Leo Messi hay những cule?
Sỹ Đoan
Theo Infonet