Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹo quản lý tiền của người Babylon cổ đại dành cho người trẻ

Từ 10 năm trước, môn học quản lý tài chính cá nhân bắt đầu được giảng dạy ở các trường Trung học tại nhiều nước phát triển.

Tranh vẽ về người dân thành Babylon của Peter Jackson. Nguồn ảnh: europosters.

Phương pháp quản lý tiền bạc

Theo các nhà kinh tế, thì quản lý tiền bạc bao gồm các hoạt động tạo thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, tích lũy tài sản để đảm bảo sự thịnh vượng của cá nhân và gia đình.

Bạn hãy chú ý chữ “thịnh vượng”, tiếng Anh là well-being, nghĩa là ở trong tình trạng thoải mái, khỏe mạnh. Điều này không phụ thuộc quá nhiều vào việc bạn giàu hay nghèo, có thu nhập cao hay thấp, mà phần lớn phụ thuộc vào khả năng quản lý tiền bạc của bạn. Để có một cuộc sống thoải mái và hạnh phúc, bạn cũng không nhất thiết phải kiếm quá nhiều tiền, hoặc giàu có, mà chỉ cần có khả năng kiếm tiền và biết quản lý để tiến tới làm chủ tiền bạc.

Quan ly tien anh 1

Ảnh minh họa sách.

Một phương pháp vừa cổ xưa, vừa khoa học

Quản lý tiền bạc thật ra không phải là một đề tài mới, mà đã có từ hàng ngàn năm trước. Quyển sách nổi tiếng đầu tiên về đề tài này được viết gần đúng 100 năm trước, tựa đề Người giàu nhất thành Babylon. Quyển sách này nói về các nguyên tắc quản lý tiền bạc đã được nghiên cứu và áp dụng bởi người Babylon cổ đại vào khoảng 1.000 năm trước.

Từ 10 năm trước, môn học quản lý tài chính cá nhân bắt đầu được giảng dạy ở các trường Trung học tại nhiều nước phát triển. Riêng tại Mỹ, có hơn một nửa các trường trung học đưa môn học này vào chương trình bắt buộc, và tỷ lệ này ngày càng tăng. Theo Hội đồng Giáo dục Kinh tế Quốc gia của Mỹ, có 6 chủ đề thiết yếu cần được đào tạo theo tiêu chuẩn chung với học sinh trung học, đó là:

  • Chi tiêu
  • Tạo ra thu nhập
  • Đi vay
  • Đầu tư
  • Tiết kiệm
  • Dự phòng cho khó khăn

Trong quyển sách này, tất cả 6 nội dung này sẽ được trình bày kèm bài tập thực hành lần lượt qua mỗi chương để các bạn có thể áp dụng và trải nghiệm thực tế.

Quan trọng nhất là thực hành

Các kiến thức và biện pháp quản lý tiền bạc trong sách này sẽ chỉ dừng ở mức độ hiểu biết viễn vông, nếu bạn không thực hành và áp dụng mỗi ngày để hình thành kỹ năng của mình. Để việc thực hành vừa dễ dàng vừa đem lại những niềm vui mới, các bạn sẽ lần lượt tìm hiểu và áp dụng kỹ năng quản lý tiền bạc theo từng bước nhỏ:

- Đặt mục tiêu quản lý tiền bạc. Ví dụ, bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm sau 6 tháng để có đủ tiền mua một chiếc laptop mới; hoặc đầu tư số tiền mình đã có trong 4 tháng để lấy tiền lãi mua vé cho một chuyến du lịch... Nội dung này sẽ được trình bày trong chương 2 tiếp theo.

  • Tạo môi trường và công cụ hỗ trợ thực hành. Hãy báo trước với người thân để nhận được sự trợ giúp, nhất là Ba Mẹ, anh chị em, bạn thân... Đồng thời, hãy trang bị cho mình các công cụ quản lý tiền bạc như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử,... phần này được trình bày trong chương 3 về các dịch vụ ngân hàng.
  • Định kỳ hàng tuần dành ra 10 phút kiểm tra lại các hoạt động quản lý tiền bạc của mình theo kế hoạch. Nếu chưa đạt kế hoạch đặt ra thì cũng không sao, chỉ cần ghi lại các nội dung cần điều chỉnh cho tuần sau. Nếu có bất kỳ hoạt động nào có hiệu quả, bạn nên tự khen thưởng bản thân, hoặc bằng tinh thần hoặc vật chất... Phần này sẽ được trình bày lần lượt trong các chương 4, 5, 6 và 7 về chi tiêu, đi vay, đầu tư và khởi nghiệp kinh doanh.
  • Hãy kỷ luật và thực hành một cách nhất quán. Khi các thao tác quản lý tiền bạc đã được áp dụng thành công, bạn hãy tiếp tục duy trì để tạo thói quen có lợi cho mình.

Chỉ cần thực hành những nội dung đơn giản này trong vòng một vài tháng, bạn sẽ hình thành kỹ năng quản lý tiền bạc. Cho đến khi tốt nghiệp đại học và tự kiếm sống, bạn sẽ thấy kỹ năng quản lý tiền bạc lúc này sẽ giúp ích cho bạn nhiều đến dường nào.

TS Vũ Minh Tú/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY