Hình ảnh chú mèo Hello Kitty dễ thương được hãng Sanrio giới thiệu trên thị trường quốc tế từ năm 1974. Cho đến nay, biểu tượng này vẫn đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn người tiêu dùng trên toàn thế giới, với khoảng 50.000 loại sản phẩm sử dụng hình ảnh Hello Kitty tiêu thụ ở 60 nước trong đủ các lĩnh vực, từ phim ảnh, khu vui chơi , chương trình truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội...
Mèo Hello Kitty trở thành hình ảnh quảng cáo quen thuộc in trên mọi loại sản phẩm khác nhau. |
Theo Bloomberg, cổ phiếu của Sanrio đã tăng gấp đôi trong năm nay trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), và giúp ông chủ của hãng này là Tsuji thành tỷ phú. Gần đây, Tsuji đã tái định hướng công ty theo hướng bán bản quyền hình ảnh nhân vật cho các hãng khác, thay vì chỉ tập trung bán sản phẩm như trước đây. Chẳng hạn, năm 2000, McDonalds Singapore mua búp bê Hello Kitty và Dear Daniel trong trang phục cưới truyền thống để bày trong cửa hàng. Năm 2011, Sanrio đạt thỏa thuận bán quyền sử dụng hình ảnh Hello Kitty trên quần áo và trang sức của Wal-Mart, Zara và Swarovski... Chiến lược này đã giúp lợi nhuận của công ty tăng thêm 27% trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, Sanrio không còn hài lòng với việc hình ảnh chú mèo Hello Kitty chỉ hấp dẫn được trẻ nhỏ. Đi cùng với tham vọng này là các thỏa thuận nhượng quyền có vẻ "điên cuồng", đi quá xa so với hình ảnh một chú mèo dễ thương, trong sáng dành cho trẻ em.
Ban đầu, tập đoàn điện tử Toshiba cũng sản xuất các sản phẩm gia dụng như máy pha cà phê và lò vi sóng gắn hình Hello Kitty. Rồi hãng vận tải Eva Air của Đài Loan có hai chiếc máy bay mang biểu tượng Hello Kitty... Nhưng vượt quá giới hạn hơn cả là khi chú mèo này cũng xuất hiện trên đồ lót nữ, bia và rượu... Việc đưa yếu tố tình dục vào hình ảnh Hello Kitty có thể cho thấy sức mạnh của biểu tượng này. Nhưng các nhà làm thương hiệu lo ngại việc nhượng quyền không cẩn trọng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh mang lại sự nổi tiếng cho chú mèo này, như chính người thiết kế ra Hello Kitty muốn gửi gắm: sự tinh khiết, tình bạn, hòa bình thế giới.