Nhân dịp Hội nghị Cấp cao hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) do Việt Nam chủ trì tổ chức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 29-31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết "Mekong: Dòng sông hợp tác và phát triển". Zing.vn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả nội dung bài viết.
Tiếp theo thành công của Hội nghị APEC 2017, bước vào năm mới 2018, chúng ta vinh dự là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 với sự tham gia của Lãnh đạo 6 nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Hội nghị Cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) lần thứ 10, tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 30-31/3. Đây là 2 sự kiện quốc tế đa phương quan trọng hàng đầu của nước ta trong năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng phát triển châu Á ADB, Ngân hàng Thế giới WB, ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Điều rất vui mừng là sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự. Đây là quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017.
Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực GMS, CLV rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh châu Á đang nổi lên là một động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21.
Hợp tác Mekong - thúc đẩy kết nối khu vực
Khu vực Mekong bao gồm 5 quốc gia gắn kết bởi dòng sông Mekong là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Từ đầu những năm 1990 đến nay, trong xu thế khu vực hóa và trước nhu cầu đẩy mạnh liên kết kinh tế, hợp tác tại Mekong đã có sự chuyển mình to lớn.
Nếu trong giai đoạn đầu, hợp tác Mekong chỉ tập trung trong nội bộ các nước ven sông thì đến nay mở rộng thêm nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc,… đã được thành lập. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển xuất phát từ vị trí chiến lược cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này.
Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là cơ chế đầu tiên được thành lập ở khu vực vào năm 1992 bao gồm năm nước Mekong và Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) có mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước, đưa khu vực Mekong trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Một số cơ chế hợp tác khác cũng đã được thành lập như Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển (TGPT) Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) giữa Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các nước Mekong hội nhập hơn vào kinh tế khu vực và tăng cường hợp tác trong ứng phó các thách thức chung.
Trong các cơ chế này, hợp tác CLV được thành lập vào năm 1999 với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác; đảm bảo an ninh, ổn định chính trị; xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.
Các cơ chế hợp tác Mekong đã có đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khu vực. Các khuôn khổ hợp tác Mekong, thực chất là cơ chế phối hợp chính sách, là diễn đàn để các nước Mekong củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại để cùng nhau xử lý các thách thức chung trên cơ sở hài hoà lợi ích các bên mà nỗ lực riêng lẻ của từng nước hoặc hợp tác song phương không thể giải quyết được.
Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác Mekong, thông qua các chương trình, dự án cụ thể, cũng đóng góp thiết thực cho kết nối khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế của các nước Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong quá trình này, các đối tác phát triển đã đóng vai trò quan trọng. Trong khuôn khổ hợp tác GMS, các quốc gia và các đối tác phát triển đã huy động khoảng 21 tỷ USD cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại sáu nước thành viên.
Nhật Bản đã hỗ trợ các nước Mekong khoảng 13 tỷ USD giai đoạn 2009-2015, và đã giải ngân khoảng 2/3 khoản cam kết hỗ trợ (khoảng 6,5 tỷ USD) cho giai đoạn 2016-2018. Mỹ đã tài trợ 50 triệu USD cho Sáng kiến Hạ nguồn Mekong giai đoạn 2013-2015 và cam kết tài trợ 1,25 triệu USD để khởi động Chương trình Đối tác cơ sở hạ tầng bền vững (SIP) giai đoạn 2016-2018.
Ấn Độ đóng góp thường niên 1 triệu USD vào Quỹ Dự án hiệu quả nhanh cho các nước CLMV và tiếp tục dành học bổng cho các nước Mekong. Hàn Quốc cam kết đóng góp mỗi năm 1 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong - Hàn Quốc và dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu USD trong thời gian tới.
Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị GMS-5 tại Thái Lan năm 2014. Ảnh: AFP. |
Vừa qua, Trung Quốc có kế hoạch sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho tiểu vùng, nhất là các dự án kết nối giao thông tuyến Bắc - Nam. Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương cùng nhiều khoản vay ưu đãi và tín dụng bên mua.
Trong tổng thể chung, khu vực Mekong là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần tạo dựng môi trường hoà bình thuận lợi ở khu vực, qua đó, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Việt Nam, hợp tác Mekong cũng đang triển khai tại Việt Nam với nhiều lợi ích cụ thể.
Thứ nhất, các cơ chế hợp tác Mekong là kênh quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nguồn lực từ các đối tác phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, liên kết vùng, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở các khu vực biên giới. Tính đến tháng 12/2017, riêng các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu kết nối trong khuôn khổ GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD (chiếm khoảng 30% tổng số các khoản huy động của GMS).
Những tên gọi quen thuộc như tuyến đường thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hầm đường bộ Hải Vân, dự án nâng cấp cảng Đà Nẵng, cầu quốc tế Mekong thứ hai nối liền đường bộ từ Thái Lan - Lào - Việt Nam đi ra Biển Đông, Dự án Hành lang Côn Minh - Hải Phòng, Dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài - Lào Cai và rất nhiều chương trình, dự án khác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mekong.
Thứ hai, hợp tác Mekong thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhiều thoả thuận hợp tác, quy hoạch phát triển chung quan trọng đã được ký kết, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên. Các chương trình hợp tác văn hóa, xã hội cũng đã giúp thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiểu biết, tình cảm và sự gắn bó của người dân ven sông.
Thứ ba, việc tham gia các khuôn khổ hợp tác Mekong giúp tạo thêm kênh đối thoại với các nước trong lưu vực sông Mekong và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Bên cạnh kênh Uỷ hội sông Mekong Quốc tế (MRC), Việt Nam cũng phối hợp cùng các nước triển khai hợp tác bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước tại các khuôn khổ hợp tác Mekong khác.
Việt Nam - thành viên chủ động và tích cực
Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Có thể kể đến những đóng góp nổi bật của Việt Nam là:
Thứ nhất, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Việt Nam đã tham gia các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ GMS, bao gồm Khung chiến lược hành động về thương mại và đầu tư (SFA-TFI) với nội dung chính là đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa quy định về tiêu chuẩn vệ sinh nhằm giảm thời gian kiểm tra tại các cửa khẩu, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics) và đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho thương nhân trong khu vực.
Bên cạnh hợp tác phát triển hạ tầng cứng, Việt Nam cũng cùng các nước tiểu vùng Mekong đã hoàn thành ký kết tất cả các nghị định thư, phụ lục của Hiệp định GMS nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người, hàng hóa qua biên giới (Hiệp định CBTA-GMS); đồng thời đã ký bản ghi nhớ về triển khai “thu hoạch sớm” Hiệp định CBTA - GMS.
Mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” đã được triển khai tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan giữa Việt Nam và Lào từ năm 2015. Hiện Việt Nam cũng đang đàm phán thực hiện thí điểm mô hình tại cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bavet với Campuchia.
Thứ hai, trong hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước trong các khuôn khổ hợp tác Mekong, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước thành viên MRC đàm phán và hoàn thành các quy định và thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước hiện tại, thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mekong để cụ thể hóa Hiệp định Mekong và trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước sông Mekong.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là một dự án trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng sông Mekong. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong hợp tác ACMECS, Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc thành lập nhóm công tác về môi trường, soạn thảo Kế hoạch hành động và đồng chủ trì nhóm công tác. Việt Nam cũng đóng vai trò chủ trì hợp tác về môi trường trong hợp tác Hạ nguồn Mekong - Mỹ; tham gia tích cực vào sáng kiến “Một thập kỷ Mekong Xanh” trong hợp tác Mekong - Nhật Bản.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào hợp tác nguồn nước trong cơ chế Mekong - Lan Thương. Trong GMS, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng Khuôn khổ chiến lược bảo vệ môi trường GMS; xây dựng hệ thống thông tin và giám sát môi trường; giảm đói nghèo và quản lý môi trường ở các vùng sâu, vùng xa, rừng đầu nguồn; quản lý, bảo vệ đất ngập mặn của hạ lưu sông Mekong và tăng cường thể chế, đào tạo về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các chương trình học bổng, đào tạo trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng trên nhiều lĩnh vực như quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng, thiết kế và thẩm định dự án, phát triển chính sách thương mại và quản lý giáo dục, lãnh đạo trong phát triển,...
Việt Nam cũng tham gia xây dựng Khung chiến lược và Kế hoạch hành động Phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2009-2012 và giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hỗ trợ triển khai các sáng kiến vùng về hợp tác nguồn nhân lực và xử lý các vấn đề xuyên biên giới về nhân lực giữa các nước GMS.
Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tiếp nhận nhiều cán bộ, sinh viên từ Lào và Campuchia sang học tại trường Đại học Tây Nguyên và hỗ trợ xây dựng trường phổ thông nội trú tại tỉnh Sekong, Lào và Ratanakiria, Campuchia. Trong cơ chế CLMV, Việt Nam đã xây dựng quỹ học bổng CLMV nhằm cung cấp hàng năm hàng trăm suất học bổng cho ba nước Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là một trong 58 dự án điểm đầu tiên được thực hiện và cũng là một trong những kết quả nổi bật của cơ chế hợp tác CLMV.
Thứ tư, không chỉ thụ hưởng, Việt Nam có nhiều đóng góp cho hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong dưới nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng các văn bản quan trọng, thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ tài chính. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8 tháng 10/2016, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 2, Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 3 và Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Mỹ lần 2 năm 2010 và đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 và Hội nghị Cấp cao CLV-10 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29-31/3 sắp tới.
Trong hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng các nước thực hiện rà soát và xây dựng Quy hoạch lại Tam giác phát triển đến 2020, xây dựng trang mạng riêng của TGPT bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Lào và Khmer); hỗ trợ Lào và Campuchia trong việc xây dựng một số tuyến đường chính liên kết các tỉnh biên giới, xây dựng chợ biên giới, trạm liên kiểm.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia hơn 100 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 3,8 tỷ USD, với phương châm hợp tác là kết hợp vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam với lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Campuchia.
Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với thế và lực được nâng cao cùng kinh nghiệm phát triển và hội nhập quốc tế được tích luỹ gần 30 năm qua, Việt Nam có khả năng và điều kiện tốt hơn khi tham gia hợp tác Mekong, qua đó, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực./.