"Lần đầu tiên tôi đặt chân tới đây, khi đó cái gì cũng không có. Nói thật, tôi chưa từng nghĩ sẽ quay lại hồ Ba Bể", Richard Harold, du khách người Canada chia sẻ với Zing.vn.
Du khách người Canada lần đầu tới hồ bản Pác Ngòi, nằm bên hồ Ba Bể, năm 2006 cùng gia đình. Khi đó, những dịch vụ du lịch tại Pác Ngòi rất thiếu thốn. Harold cho biết ngay cả những tiện nghi cơ bản như vệ sinh, giao thông, ẩm thực đều gây cho anh sự thất vọng.
Nhưng nay, du lịch tại bản Pác Ngòi đã là câu chuyện rất khác. Sự đổi mới trong tư duy làm du lịch, nguồn đầu tư của các cơ quan, tổ chức, cũng như sức hấp dẫn "mê hồn" của chính hồ Ba Bể, đã giúp thay da đổi thịt những bản du lịch như Pác Ngòi.
"Bằng một sự tình cờ, tôi đã quay lại đây. Lần này tôi cảm thấy hài lòng với thời gian mình bỏ ra tại Pác Ngòi", Harold nói.
Dịch vụ Homestay thay da đổi thịt cho hồ Ba Bể
Nằm trên độ cao 150 m so với mực nước biển và được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, hồ Ba Bể từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ tĩnh mịch. Mặc dù vậy, những khó khăn về cơ sở vật chất và phương pháp triển khai du lịch khiến địa danh này, trước đây, không thành công trong níu giữ bàn chân các du khách.
Bản Pác Ngòi là một trong ba bản du lịch của người dân tộc Tày nằm bên bờ hồ Ba Bể. Trước đây, người ta đã quen với cảnh khách du lịch đến Pác Ngòi buổi sáng, đi dạo quanh lòng hồ vào buổi trưa, đến chiều lên xe trở về thành phố.
"Du lịch tại Pác Ngòi nói riêng và hồ Ba Bể nói chung đã khởi sắc rất nhiều từ sau khi có sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á ADB", ông Nguyễn Văn Hà, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Bắc Kạn, cho biết.
Trong khuôn khổ Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, ADB đã giải ngân khoản tín dụng 10 triệu USD nhằm mục đích hỗ trợ phát triển ngành du lịch bền vững tại 5 tỉnh của Việt Nam bao gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Với nguồn tài chính hỗ trợ từ ADB, mô hình nhà ở "homestay" (khách du lịch ở ngay tại nhà người dân địa phương) đã được người dân các bản như Pác Ngòi, Bố Lù, Cốc Tộc áp dụng và mở rộng quanh hồ Ba Bể. Mô hình này giúp các cơ sở làm du lịch tư nhân ở Pác Ngòi cải thiện chất lượng dịch vụ, từ vệ sinh tới các hoạt động giải trí, từ đó thu hút hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm.
"Dân mình ở đây bây giờ thích làm du lịch hơn là làm nông", ông Ngôn Văn Toàn, chủ cơ sở homestay Khánh Toàn tại bản Pác Ngòi, chia sẻ với Zing.vn.
Ông Ngôn Văn Toàn, chủ cơ sở homestay Khánh Toàn. Ảnh: Duy Anh . |
Ông Toàn cho biết tại bản Pác Ngòi, những gia đình có điều kiện đều đã chuyển sang làm du lịch homestay. Đây là những nhà có không gian rộng rãi, có nhân lực phục vụ khách du lịch. Đối với những hộ gia đình không mở homestay, người dân tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho hoạt động du lịch như làm đồ ăn, tổ chức đội văn nghệ biểu diễn cho khách du lịch, làm đồ khô cho du khách có nhu cầu mang về.
Theo thống kê của lãnh đạo chính quyền địa phương, du lịch homestay đã giúp giảm số hộ nghèo tại Pác Ngòi từ khoảng 50% xuống còn 12%.
Đến Pác Ngòi trong một ngày mùa đông, không khó để bắt gặp các du khách nước ngoài đang ăn bánh mỳ gối với trứng ốp la và lạp xưởng dân tộc, nhâm nhi cốc cà phê tan và phóng tầm mắt về phía hồ Ba Bể xanh thăm thẳm.
"Tôi thích khung cảnh ở đây. Những căn nhà sàn bằng gỗ trong không gian rừng núi và hồ nước. Thi thoảng lại có tiếng móng ngựa lộp cộp. Đây là khung cảnh nguyên sinh mà tôi luôn tìm kiếm", Marshall Larsen, du khách người Đan Mạch, nói với Zing.vn.
Đánh giá về hiệu quả dự án của ADB mang lại cho ngành du lịch tại hồ Ba Bể, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết điều đáng quý nhất là "tư duy làm du lịch của người dân đã được thay đổi".
"Trước đây, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân chủ yếu là tự phát. Sau khi có dự án, trong đó bao gồm cả việc đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thì hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn. Giờ đây người dân đã có thể hiểu được những lợi ích mà du lịch mang lại cho đời sống của họ", ông Hà cho biết.
Thách thức đến từ sự thành công
Những năm gần đây, lượng du khách đến với các cơ sở du lịch tại Pác Ngòi nói riêng và hồ Ba Bể nói chung tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân cho những thách thức đang đe dọa sự phát triển bền vững tại hồ Ba Bể.
"Khách du lịch tăng, mùa cao điểm, nhiều cơ sở hết phòng phục vụ. Vì vậy, bà con xây dựng thêm nhà cửa bằng gạch đá, xi măng để mở rộng các cơ sở lưu trú. Gỗ bây giờ thì không được khai thác để xây nhà rồi", ông Hà cho biết.
Theo đại diện tỉnh Bắc Kạn, việc xây dựng nhà cửa bằng gạch gây ảnh hưởng tới cảnh quan chung của các thôn bản với chủ yếu nhà sàn làm từ gỗ. Điều này làm mất đi nét đẹp tự nhiên hoang sơ vốn là sức hút chủ yếu đối với các du khách trong và ngoài nước.
Một khách du lịch nước ngoài ăn sáng tại bản Pác Ngòi. Ảnh: Duy Anh . |
Bên cạnh đó, các dịch vụ vui chơi giải trí tại hồ Ba Bể cũng tương đối nghèo nàn, chất lượng hạn chế, chưa thể đáp ứng đòi hỏi của khách du lịch, đặc biệt các du khách nước ngoài.
"Ở những nơi khác, người ta có thể đến quán xá để cùng uống nước, trò chuyện, giao lưu với mọi người. Nhưng ở đây chỉ sau 20h là tất cả đã tắt đèn, chúng tôi không có lựa chọn nào cả", Kristen Malcolm, một du khách Canada, nói với Zing.vn.
Tại hồ Ba Bể, hoạt động du lịch chủ yếu vẫn chỉ là thăm thú và ngắm cảnh. Các hoạt động này chỉ có thể thực hiện vào ban ngày. Khoảng thời gian từ 19-23h bị coi là thời gian chết bởi không có hoạt động vui chơi giải trí nào được tổ chức.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết chính quyền địa phương đã có kế hoạch xây dựng không gian sinh hoạt cộng đồng tại bản Pác Ngòi làm thí điểm, sau đó sẽ mở rộng ra các bản khác tại hồ Ba Bể. Tuy nhiên, vấn đề về vốn, địa điểm cũng như sự đồng thuận của người dân đang là những khó khăn trước mắt.