Giờ tìm chỗ mới gửi con là một khó khăn lớn với vợ chồng chị Phương. |
Chưa có tiền nên chưa thể gửi con
Chị Bùi Thị Thanh Lệ, mẹ cháu Lê Tuấn Khang bị cấp dưỡng, kiêm bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ cho biết, sau mấy ngày chăm sóc, giờ con chị đã khỏe và không còn sợ khi thấy người lạ nữa.
“Nhiều lần tôi cũng như các phụ huynh khác phản ảnh là cháu nói bị cô giáo đánh nhưng các cô chối bảo không có. Rồi có phụ huynh khi nhà có việc, tiệc tùng gì cũng mời các cô đến chơi để tạo thân mật vậy mà các cô vẫn hành hạ các bé không thương tiếc gì!”, chị Lệ nói.
Chị Trần Thị Thanh Phương (quê ở Bến Tre), mẹ cháu Nguyễn Trọng Hoàng, 31 tháng tuổi, nói: “Từ khi biết con bị hành hạ, tôi phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc cháu chứ không làm ăn gì được. Có những lần cháu nói là bị cô giáo đánh nhưng nghĩ là cháu sợ đi học nên mới nói vậy”.
Hiện TPHCM có khoảng 65.000 trẻ không có hộ khẩu (chiếm 18% trẻ toàn thành phố), đa phần là con em của công nhân lao động nhập cư. |
Sau mấy ngày được mẹ chăm sóc, giờ cháu Hoàng đã khỏe hơn không còn gặp ác mộng ban đêm. Tuy nhiên giờ tìm chỗ gửi cháu Hoàng là một việc vô cùng khó khăn với gia đình chị Phương. Theo chị Phương, nhiều trường nhận cháu vào nhưng học phí lại khá cao, trung bình 1,9 triệu/tháng, cộng với 1 triệu đồng tiền cơ sở vật chất ban đầu trong khi thu nhập chỉ có 2,2 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ với chị Phương là vợ chồng anh Hà Quốc Thành (quê Quảng Nam) có con là cháu Phan Quốc Khang 2 tuổi cũng đang gặp khó khăn đủ bề khi anh phải nghỉ việc trông con để vợ đi làm. Anh Thành cho biết, Ủy ban phường đã giới thiệu cho vợ chồng anh mấy điểm gửi con mới nhưng giá thành hơi cao nên vợ chồng anh vẫn đang tham khảo chứ chưa dám gửi vì chưa có tiền.
Khó xây trường mầm non vì “cơ chế”
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, trên địa bàn Quận Thủ Đức hiện có 111 cơ sở mầm non tự phát như trường mầm non Phương Anh (số liệu vẫn còn thiếu 3 phường chưa tổng hợp).
Đối với các cơ sở này, Sở đề nghị quận Thủ Đức phải đóng cửa, đồng thời, hướng dẫn các chủ cơ sở mầm non này làm hồ sơ cấp phép và tiến hành tập huấn để nâng cao nghiệp vụ trong việc nuôi dạy trẻ.
Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng BQL Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho rằng, việc xây dựng này là hết sức cần thiết bởi trong thời gian qua trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ. Đa số những trẻ bị bạo hành đó là con em của những công nhân không có thời gian chăm sóc con cái. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện tại thì rất khó.
Theo ông Lâm, đề án tạo lập quỹ đất xây dựng công trình phục vụ tiện ích cho công nhân đã có từ cuối năm 2010 trong đó xác định việc xây nhà lưu trú cho công nhân và trường mầm non là ưu tiên hàng đầu đã được UBND TP HCM chấp thuận song đến nay chưa thể khởi động.