Chiều 14/8, đoàn công tác của Bộ KH&CN làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề xác minh sâm Ngọc Linh giả.
Ma trận sâm
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý, hiếm. Giá sâm hiện đang tăng lên gấp 4 - 5 lần (so với cách đây 2 năm), do vậy có hiện tượng giả sâm Ngọc Linh để bán với giá sâm Ngọc Linh thật khiến người dân hoang mang. Việc xuất hiện sâm giả không chỉ ảnh hưởng đến người mua mà còn ảnh hưởng đến người trồng sâm thật, ảnh hưởng thương hiệu sâm Ngọc Linh quốc gia.
Sâm Ngọc Linh được trồng trên đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Trà My), Quảng Nam. |
Ông Phạm Viết Tích - GĐ Sở KH&CN Quảng Nam - cho biết, xác định sâm Ngọc Linh có giá trị cao tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn, phát triển và tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, từ sau khi công bố chỉ dẫn địa lý và Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia thì Quảng Nam càng chú trọng đầu tư cho sản phẩm này.
Tuy nhiên, thực tế việc lưu thông phân phối sâm trên thị trường đang diễn ra phức tạp như xuất hiện sâm giả, sâm không đúng (là sâm nhưng không phải sâm Ngọc Linh)… Tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp tìm kiếm giải pháp, bổ sung cơ chế chính sách… tuy nhiên vẫn chưa thể gỡ khó.
Trong khi đó công tác kiểm định chất lượng sâm chưa thực hiện được. Việc xác định, phân biệt sâm giả, sâm thật hiện nay hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm
Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; vấn đề kiểm tra, kiểm soát sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh chưa được triệt để; chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ có liên quan đến 2 tỉnh là Quảng Nam và Kon Tum nên công tác quản lý, phát triển còn nhiều lúng túng…
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hiện sâm Ngọc Linh phát triển tăng chóng mặt (tăng 900% trong 2 năm). Người dân địa phương cũng nhận thức rất cao giá trị của loại cây này, giờ họ không trồng lúa rẫy nữa mà làm đệm để lên vùng sâm. Tuy nhiên một trong những vấn đề đáng lo ngại là vấn đề sâm giả.
“Hiện nay sâm giả có khả năng làm mất đi thương hiệu quốc gia. Không khéo sau này tới Việt Nam toàn sâm giả vì vậy cần sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra từ cấp trung ương, chứ nếu chỉ 2 tỉnh thì không thể giải quyết được” - ông Bửu chia sẻ.
Hiện các sản phẩm từ sâm rất ít, chủ yếu là thực phẩm chức năng chưa có mỹ phẩm, dược phẩm… cần làm phong phú các sản phẩm từ sâm. Cần cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp: đất, thuế, vốn, lao động đồng thời nâng cao du lịch sâm; văn hóa sâm đặc biệt, cần có kế hoạch dài hơi từ chính phủ giải quyết tất cả các vấn đề, hoạch định lâu dài 5 - 10 năm sau.
Cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, việc phát hiện và xử lý vấn đề sâm giả đang gặp nhiều khó khăn. Bởi khi phát hiện vụ việc nghi là sâm giả thì không thể nói miệng và nhìn bằng mắt thường mà phải có cơ sở, xác nhận từ cơ quan kiểm định trong khi chi phí rất lớn và mất nhiều thời gian.
Đại diện công an tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận việc xác minh một số tổ chức cá nhân nghi buôn bán, sản xuất sâm Ngọc Linh giả đang gặp khó do việc xác định nguồn gốc sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thật với giả; công tác giám định mẫu với chi phí lớn. Khi chưa đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các chế tài hình phạt nên chủ yếu là phục vụ công tác phòng ngừa; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tự mình bảo vệ mình…
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho biết, xét ở góc độ sở hữu trí tuệ, hiện chưa có danh mục các tổ chức cá nhân được cấp phép sử dụng đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh: chưa có tem chống giả… rất khó kiểm định chất lượng.
Trước thông tin về sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, Bộ KH&CN đã thành lập đoàn tới các địa phương để khảo sát kiểm tra. Qua đó, có thể khẳng định xuất hiện hiện tượng sâm Ngọc Linh giả trên thị trường. Hiện tượng vi phạm sâm Ngọc Linh rất nhiều không chỉ Quảng Nam, Kon Tum mà cả nước. Các hình thức vi phạm như vi phạm về sở hữu trí tuệ (gắn nhãn cho sản phẩm không phải là sâm Ngọc Linh); vi phạm tiêu chuẩn chất lượng…
“Nhiều người đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu phần trăm sâm đang bán trên thị trường là sâm Ngọc Linh giả? Thậm chí có người còn cho rằng có tới 90% sản phẩm sâm Ngọc Linh đang bày bán trên thị trường là giả. Thông tin này ảnh hưởng lớn đến người trồng, bán sâm thật, người mua thì hoang mang trước ma trận sâm. Do vậy việc này rất cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng” - bà Quỳnh nói.