Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ giết con - sự tàn khốc tận cùng trong chế độ nô lệ

"Yêu dấu" đã thọc sâu vào chế độ nô lệ để phô bày những khốc liệt và tàn bạo mà người da đen đã phải hứng chịu trong lịch sử.

Toni Morrison được trao giải Nobel văn học năm 1993, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên được trao giải thưởng văn chương cao quý này. Tiểu thuyết Yêu dấu là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của bà. Cuốn tiểu thuyết được trao giải Pulitzer năm 1988. Báo New York Times chọn Yêu dấu là “tiểu thuyết Mỹ xuất sắc nhất trong 25 năm qua”.

Trần trụi, khốc liệt, tàn bạo

Đây là một cuốn tiểu thuyết có khả năng khiến người đọc thảng thốt từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.

Yeu dau anh 1
Bìa sách Yêu dấu

Câu chuyện mở đầu từ cảnh Sethe ở tuổi ba mươi, đang sống với con gái 18 tuổi, Denver, trong ngôi nhà mang số 124, ngôi nhà bị ma ám suốt 18 năm nay.

Ngôi nhà hoàn toàn biệt lập với những người hàng xóm xung quanh. Ngôi nhà “Đầy hằn học. Đầy nọc độc của một đứa bé”, nhưng Sethe và Denver đã dần có thể cùng sống chung với những hành hạ, phá phách của hồn ma ấy.

Bỗng dưng, đến một ngày Paul D, một trong những người nô lệ cùng sống với Sethe ở đồn điền cũ ở Kentucky xuất hiện. Paul xua đuổi hồn ma, khiến căn nhà trở nên yên tĩnh hoàn toàn.

Sethe những tưởng rằng, cô từ đây có thể cùng Paul xây dựng một cuộc sống thực sự. Nhưng cũng chính từ buổi hội chợ hôm ấy, câu chuyện bắt đầu mở rộng ra, khai phá mọi ngõ ngách những  bí ẩn đau thương, ám ảnh tột cùng của quá khứ.

Trở về nhà từ hội chợ, ba người bắt gặp một người phụ nữ bí ẩn. Cô ấy khoảng 20 tuổi với những hành vi rất lạ, tự xưng mình là Yêu Dấu. Sethe đã đồng ý đưa cô ấy về nhà.

Từ đây, Toni Morrison bắt đầu kể hai câu chuyện lồng ghép vào nhau. Một hiện tại là mối quan hệ giữa Sethe và Yêu Dấu. Một quá khứ là cuộc chạy trốn của những người nô lệ đồn điền mang tên Mái Ấm.

Toni Morrison đã rất thận trọng khi kể những chi tiết liên quan đến Yêu Dấu, chỉ ra rằng đây là một sự kiện quan trọng, gây nên nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống của mỗi nhân vật. Nhưng rõ ràng bà cũng chỉ ra nó không phải là đỉnh điểm của câu chuyện cũng không phải là sự kiện tồi tệ nhất đối với Sethe và người thân của cô.

Đỉnh cao trần trụi khốc liệt của câu chuyện này chính là đêm trốn thoát của các nô lệ khỏi Mái Ấm.

Yeu dau anh 2
Hình ảnh trong bộ phim Yêu dấu được chuyển thể từ tiểu thuyết Yêu dấu của Toni Morrison.

Đêm ấy cuộc đào thoát đã bị lộ, những người chủ da trắng đã tìm cách ngăn chặn lũ nô lệ. Đêm ấy, kẻ đã bị thiêu chết, kẻ bị treo thân không đầu, kẻ bị mất tích... và đêm ấy, Sethe đã liều mình, cô độc tìm cách đưa các con đi trốn, sau khi không thể tìm thấy người chồng Hale.

Câu chuyện của đêm ấy đã dẫn đến một vụ giết người kinh hoàng, đau đớn. Khi đã trốn thoát đến tận Ohio, Sethe và bốn người con của chị, những người mà chị xem làm điều đẹp đẽ duy nhất của mình, vẫn tiếp tục bị truy đuổi.

Nhìn thấy bốn người da trắng tiến về phía nhà kho, khi ấy Sethe đã nghĩ gì, tại sao chị lại hành động “tàn ác” như vậy.

Sức mạnh nào khiến chị có thể cứa cổ đứa con gái mới biết bò của mình, để nó chết ngay trên tay chị, máu của nó thấm vào bầu vú đang căng sữa của chị.

Sự khốc liệt ấy là tiếng vọng bi đát quá của những người sinh ra đã là phận nô lệ. Sethe có lẽ thà chết cũng không để con cái chị bị dày vò trong dơ bẩn và tàn bạo. Đứa con đã chết, trở thành một bóng ma ám ảnh suốt mười tám năm sau trong cuộc đời chị. Nó hiện diện tự nhiên và chị chấp nhận sự hiện diện ấy tự nhiên. Bóng ma ấy như một nhân vật lơ lửng, hiện thân của ký ức, của tâm trí.

Câu chuyện ngầm sâu của quá khứ ấy là cái thúc đẩy câu chuyện ở thì hiện tại phát triển theo hướng đối ngược.

Mối quan hệ giữa Sethe và Yêu Dấu chính là mối quan hệ của sự bù đắp, thương yêu, dày vò, hủy hoại. Sethe phục tùng chăm sóc Yêu Dấu, như để bù đắp nỗi mất mát suốt mười tám năm qua. 

Nhưng trong thì hiện tại Sethe có Denver. Denver đã quyết định bước ra người bức tường cô lập kia để tìm kiếm sự giúp đỡ. Giúp đỡ Sethe và chính cô, khỏi cái chết.

Toni miêu tả những nỗi đau của người nô lệ da đen bằng ngòi bút sắc bén cùng kỹ thuật tiểu thuyết phức tạp, hấp dẫn. Không chỉ Sethe để lại ám ảnh về sự khắc nghiệt mà mỗi nhân vật trong Yêu dấu đều mang hình hài của những tàn bạo, tuyệt vọng. Nó là vọng âm cho một thời đại, ở thời đại ấy, người da đen sống nhục nhã, cùng khổ hơn cả loài vật.

Kỹ thuật tiểu thuyết phức tạp, sắc sảo

Mỗi nhân vật xuất hiện trong Yêu dấu đều được Toni dụng công miêu tả rất phức tạp, với những tâm tư đầy mâu thuẫn, giằng xé, những ám ảnh quá khứ. Câu chuyện kịch tính được thay đổi giọng kể đan xen, quá khứ và hiện tại không ngừng thay đổi lẫn nhau, khiến người đọc như bị đẩy vào một mê cung của những dòng ý thức trôi chảy vừa như ảo ảnh vừa như trần trụi.

Yeu dau anh 3
Nhà văn Toni Morrison.

Mặc dù cuốn tiểu thuyết Yêu dấu không ngần ngại bày phơi hiện thực trần trụi nhưng Toni lại từ chối lối viết theo chủ nghĩa hiện thực bằng cách sử dụng những hiện tượng ảo ảnh, ma quái, với một hệ thống ngôn ngữ giàu tính trữ tình thơ mộng.

Nhiều khoảnh khắc đau xé lòng được Toni viết đẹp đến kỳ lạ, trong những xoay trở miên viễn của trói buộc tàn bạo nhưng lại đẹp đến mức nghẹt thở.

Ngay vào khoảnh khắc Sethe nhận ra Yêu Dấu vào cuối cuốn tiểu thuyết, cũng là khi người đọc bị sốc trước sự đau khổ của các nhân vật da đen và sự tàn bạo của người da trắng, khiến ta biết rằng có rất nhiều nỗi kinh hoàng khác không được đề cập đến trong tiểu thuyết.

Như trong lời mở đầu Yêu dấu, Toni viết "Sáu mươi triệu và hơn thế nữa". Thời kỳ quá độ ấy, lịch sử thống kê có khoảng sáu mươi triệu người da đen đã chết, nhưng có lẽ thực tế số người chết lớn hơn nhiều lần, và tàn bạo hơn nhiều lần.

Cuốn tiểu thuyết Yêu dấu là tổng hòa của những kỹ thuật văn chương phong phú, vừa có nét duyên dáng, trữ tình, lại vừa lập dị, thô ráp, ngột ngạt. Ngay trong cách Toni mở đầu và kết thúc tác phẩm, với việc lặp lại hai từ Yêu Dấu, đã tạo nên một gọng kìm siết chặt câu chuyện, tạo nên không khí đặc quánh, ngột ngạt, bạo liệt.

Toni Morrison là người có trí tưởng tượng phong phú. Bà chia sẻ “Đôi khi đọc và du hành có thể kích thích óc tưởng tượng nhưng có nhiều nhà văn không cần đi đâu hết để có óc tưởng tượng phong phú”. Điều này được thể hiện rất rõ trong Yêu dấu, chật kín những hình ảnh hư ảo, lẫn lộn, phá bỏ mọi ranh giới của thực tại, giấc mộng, hoang tưởng.



Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm