Một ngày sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 7 người tử vong, chiều 23/4, VietNamNet có mặt tại thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Quan tài đặt trước sân nhà của hai anh em xấu số. Ảnh: Anh Tâm. |
Gia đình mất đi hai người con trai
Không khí tang thương bao trùm cả xóm nhỏ. Phía ngoài căn nhà sàn đơn sơ, nơi tổ chức tang lễ cho anh Nông Văn Th. (39 tuổi) và em trai Nông Văn T. (33 tuổi), quan tài của hai anh em được đặt ngay giữa sân để mọi người đến thắp hương.
Anh Nông Văn Khoa (anh/em ruột của hai nạn nhân) cho biết, gia đình có 3 anh em trai, anh Th. là anh cả, còn T. là em út. Anh Th. đã lập gia đình và có hai con (cháu lớn lớp 8, cháu nhỏ lớp 4), còn anh T. vẫn độc thân.
Anh Khoa nghẹn giọng: “Bố mẹ tôi năm nay đều đã hơn 60 tuổi, đây là cú sốc quá lớn, từ hôm qua đến nay mẹ tôi đã bị ngất mấy lần”.
Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan ban ngành và bà con làng xóm đến thăm hỏi động viên gia đình. Kể về hai anh em trai xấu số, nhiều người dân trong thôn đều bày tỏ tiếc thương.
"Hai anh em rất hiền lành và chăm chỉ làm ăn nên được người dân trong làng yêu quý. Khi hay tin, mọi người đều đau buồn và tiếc thương", một người dân thôn Trung Tâm chia sẻ.
Hai tấm cáo phó lạnh lẽo trong căn nhà sàn đơn sơ. Ảnh: Anh Tâm. |
Những lời hứa còn dang dở
Cách huyện Yên Bình khoảng 30km, căn nhà nhỏ của gia đình nạn nhân Nguyễn Danh M. (42 tuổi), ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái cũng chìm trong không khí tang thương.
Anh M. đã tử nạn trong sự cố xảy ra ở Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Ông Nguyễn Danh Dũng (67 tuổi) - bố anh M. vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận tin con trai mãi mãi ra đi.
Nhớ lại giây phút biết hung tin, ông Dũng kể: “Gia đình nhận được thông tin từ công ty nhưng chỉ biết là M. bị tai nạn. Tôi đi xe máy một mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vừa lái xe vừa suy nghĩ khiến tôi đi nhầm 40km đến tận huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Sau đó tôi quyết định đi về nhà trước. Về tới nơi, mọi người nói con trai đã tử nạn, tôi như chết lặng”, ông Dũng kể.
Ông Nguyễn Danh Dũng (ngoài cùng bên trái) và bà Nguyễn Thị Hải (thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Anh Tâm. |
Theo ông Dũng, M. lấy vợ và có hai con, cháu lớn 13 tuổi, cháu bé 5 tuổi. Với mức lương công nhân của hai vợ chồng, tưởng rằng cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm, nuôi nấng các con vào đại học để thoát khỏi cảnh vất vả như bố mẹ. Nhưng thật trớ trêu, tại họa lại liên tục ập đến.
Cách đây vài tháng, khi đang đi làm thì vợ M. bị tai nạn lao động, gạch rơi vào đầu phải nhập viện, đến nay hồ sơ thương tật còn chưa làm xong. Từ ngày gặp nạn, sức khỏe vợ M. yếu đi nhiều, liên tục đi viện. Từ đó, M. trở thành lao động chính trong nhà.
Tuy khó khăn vất vả, nhưng M. luôn quan tâm và định hướng cho các con theo con đường học hành.
Nói trong tuyệt vọng, bà Nguyễn Thị Hải (mẹ anh M.) nghẹn giọng: “Hai vợ chồng con trai vay mượn tiền để xây nhà, đến nay chưa trả hết. Nhiều lần con tâm sự với tôi sẽ cố gắng làm lụng, trước tiên sẽ trả hết số tiền vay xây nhà, sau đó sẽ tiết kiệm một khoản riêng cho các con học đại học. Vậy mà giờ đây, con trai tôi đã không còn, các cháu không biết phải làm sao”.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.