Ocean Group - ngân hàng Đại Dương
Trong vòng 6 tháng, chi phí lãi vay đội lên hơn 83 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Phần lớn các chi phí của tập đoàn này đều tăng, từ chi phí tài chính thêm hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu do khoản tăng hơn 83 tỷ đồng của chi phí lãi vay, đến các khoản mục khác là chi phí bán hàng (tăng gấp đôi), quản lý doanh nghiệp (tăng 30%). Riêng khoản chi phí khác tăng từ hơn 3,2 tỷ đồng lên trên 16,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Chính nhân tố này khiến cho tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt hơn 99,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 163,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Sau thuế, phần lợi nhuận còn lại chỉ hơn 51,8 tỷ đồng so với mức trên 119 tỷ đồng của năm 2012.
6 tháng đầu năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Đại Dương giảm mạnh so với cùng kỳ do nhiều khoản chi phí bị đội lên. |
Tại ngân hàng Đại Dương, tính đến hết tháng 6/2013, Ocean Group sở hữu 20,66% cổ phần. Cùng với 2 công ty liên kết khác chuyên về chiếu phim, kinh doanh bất động sản, kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng… tập đoàn này thu về khoản lợi nhuận thuần hơn 9 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với mức gần 30 tỷ đồng cuối năm 2012. Như vậy, dù vẫn giữ nguyên phần vốn tại OceanBank, nhưng thực tế, lợi nhuận thu về từ kinh doanh ngân hàng của tập đoàn Đại Dương trong 6 tháng đầu năm 2013 không hề lớn.
Trong khi đó, không chỉ dồn vốn tại OceanBank, tập đoàn của ông Hà Văn Thắm còn “chôn” một phần vào các ngân hàng khác, trong đó có Bảo Việt, dưới dạng đầu tư.
Masan Group - Techcombank
Masan có công ty liên kết là ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của ngân hàng không hiệu quả, với phần lợi nhuận sụt giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm 2012.
Đơn vị "mẹ" của ngân hàng Kỹ thương cũng có kết quả kinh doanh không quá xuất sắc trong nửa đầu năm nay, khi doanh thu từ một số nhóm lĩnh vực bị giảm sút, dù các ngành chính vẫn tăng khá. |
Còn với Masan, kết quả kinh doanh ghi nhận trong 6 tháng đầu năm là lợi nhuận có tăng, song không nhiều. Cụ thể, doanh thu thuần của tập đoàn này chỉ tăng 8,4% so với quý II/2012, còn lợi nhuận gộp trong 3 tháng quý II là 1.111 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, tính riêng các lĩnh vực kinh doanh của đơn vị này thì không hiệu quả như dự đoán. Chẳng hạn như lĩnh vực ngân hàng, với Techcombank cùng kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng thời điểm năm 2012, hay lĩnh vực khai thác, với việc Masan Group Pro forma có lợi nhuận thuần giảm hơn 43% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tập đoàn cũng đưa ra lý giải cho mức lợi nhuận sụt giảm của Techcombank là lãi suất cho vay thấp, môi trường kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, không vì chạy theo lợi nhuận mà ngân hàng cho vay ồ ạt, ngược lại, trong thời gian tới, Techcombank vẫn sẽ cẩn trọng và giảm thiểu rủi ro cho cơ cấu tài chính, kiểm soát chi phí tốt hơn.
Tập đoàn Dầu khí - PVcomBank
Ngân hàng hợp nhất giữa tổng công ty cổ phần tài chính dầu khí (PVFC) - một công ty con của tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) với ngân hàng Phương Tây (WesterBank) dự kiến đi vào hoạt động kể từ tháng 10 năm nay.
Tại PVFC, PVN là cổ đông lớn chiếm 78% vốn điều lệ. Trong khi kết quả kinh doanh cửa PVFC tương đối "lẹt đẹt", thì tại tập đoàn mẹ, 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2012. Theo báo cáo của PVN trong buổi công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này bằng 151% so với kế hoạch 6 tháng, và 55,8% kế hoạch năm trong khi doanh thu tổng của các đơn vị trong tập đoàn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2012, chủ yếu đến từ các nhà máy đạm.
Các chỉ tiêu kinh doanh của PVN - "mẹ" của ngân hàng mới hợp nhất PVcomBank vẫn tăng trưởng tốt, song tại công ty liên kết là PVFC - một trong 2 nhánh hợp thành PVcomBank, năm 2012 là một năm có lợi nhuận buồn, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.. |
Với PVFC, công ty thành viên của PVN và là một trong hai nhánh hợp thành PVcomBank, kết quả kinh doanh của cả năm 2012 khá bết bát, dù ngân hàng này chưa công bố công khai kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Nợ xấu của PVFC tính đến hết năm 2012 là 4,92%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh gần gấp đôi so với cuối 2011. Lợi nhuận sau thuế của PVFC sụt giảm mạnh, từ xấp xỉ 350 tỷ đồng vào năm 2011 xuống còn hơn 61 tỷ đồng, sau 1 năm hoạt động.
Tập đoàn Xăng dầu - ngân hàng PGBank
Tại ngân hàng Xăng dầu (PGBank), tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tính đến hết quý II/2013 là 41%. Tính đến hết tháng 6/2013, Petrolimex đã đầu tư vào PGBank hơn 1.299 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức trên 1.325 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Khoản mục lợi nhuận từ công ty liên kết trong báo cáo tài chính của Petrolimex quý II/2013 nêu rõ, mức lợi nhuận thu được trong 6 tháng đầu năm là hơn 27,8 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức trên 95,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012.
"Mẹ" của ngân hàng Xăng dầu cũng có kết quả tốt từ hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu. Còn với lĩnh vực ngân hàng, số lợi nhuận thu về sau 6 tháng chỉ hơn 27,8 tỷ đồng, thấp hơn so với mức trên 95,3 tỷ đồng cùng kỳ 2012. |
“Soi” vào kết quả kinh doanh của tập đoàn mẹ trong nửa đầu năm 2012, có thể thấy, phần lợi nhuận và các chỉ tiêu tài chính tại đơn vị này vẫn tương đối ổn định. Cụ thể, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Petrolimex chỉ ra, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 897 tỷ đồng, trong đó có hơn 300 tỷ từ kinh doanh xăng dầu, còn từ khối công ty con và công ty liên kết là hơn 370 tỷ.