Vụ việc này đang gây ra làn sóng bất bình và hoang mang đối với người tiêu dùng trên thị trường toàn cầu, trong đó có thị thị trường Việt Nam.
McDonald’s tại Việt Nam khẳng định không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc . |
Đại diện McDonald’s tại Việt Nam cho hay, McDonald’s không nhập nguyên liệu gì từ Trung Quốc mà hầu hết các nguyên vật liệu cho các sản phẩm của McDonald’s đều được nhập khẩu từ hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, các sản phẩm gà và cá được nhập từ Thái Lan, thịt bò được nhập từ Úc, khoai tây và heo nhập từ Mỹ và tất cả các nguyên liệu rau xanh được nhập từ Đà Lạt (Việt Nam). Riêng về tên các nhà cung cấp nguyên liệu cụ thể thì đại diện McDonald’s đang chờ bộ phận supplychain cung cấp.
Tại thị trường Việt Nam, thông qua đơn vị được cấp phép phát triển thương hiệu McDonald’s là Công ty Goog Day Hospitality của ông Nguyễn Bảo Hoàng đồng thời là chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Việt Nam, McDonald’s đã có hai cửa hàng tại TP.HCM đi vào hoạt động từ đầu năm 2014. Ông Hoàng kỳ vọng, mạng lưới cửa hàng McDonald’s sẽ phủ rộng trên cả nước tương tự như Singapore có hơn 100 cửa hàng, Philippines 400 cửa hàng.
Dự kiến tháng 8 tới, McDonald’s sẽ khai trương cửa hàng thứ ba tại Việt Nam, nằm ở quận 6, TP.HCM. Trong khi đó, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà thời gian qua rất nhiều khách hàng ở Việt Nam đã có những phản ứng tiêu cực về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của KFC.
Khách hàng phản ứng tiêu cực về nguồn gốc nguyên liệu của chuỗi cửa hàng KFC tại Việt Nam. |
Qua điều tra và tìm hiểu, KFC khẳng định các ý kiến đó đều không đúng sự thật và đa số xuất phát từ các nhân viên đang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh.
Nhiều khách hàng cũng có phản ứng tiêu cực về nguồn gốc nguyên liệu của chuỗi cửa hàng KFC tại Việt Nam. “Tất cả tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất tại KFC đều tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt của Tập đoàn Yum! Brands Inc. (Mỹ), toàn bộ nguyên vật liệu đều được nhập khẩu từ nước ngoài và từ những nhà cung cấp uy tín tại Việt Nam. KFC cam kết không có bất cứ nguyên liệu nào được nhập khẩu từ Trung Quốc”, KFC khẳng định điều này trên fangage chính thức của mình.
Trở lại với thị trường Trung Quốc, ngay sau vụ bê bối xảy ra, công ty Shanghai Husi Food Co. đã buộc phải ngừng hoạt động. Còn McDonald's và KFC đã chấm dứt việc sử dụng thịt của công ty này. OSI có hơn 50 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới và có doanh thu trên 5 tỷ USD vào năm 2012. OSI đã cung cấp nguyên liệu cho McDonald’s ở Trung Quốc từ năm 1992, cho KFC và Pizza Hut từ năm 2008.
Tuy nhiên, vụ bê bối này sẽ gây khó khăn cho các hãng khi liên tiếp trong hai năm qua danh tiếng đã bị tụt hạng. Đặc biệt đối với Yum China, là hãng quản lý chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC và Pizza Huts, khi doanh số của hãng đã bị ảnh hưởng mạnh do những lo sợ về y tế trong thời gian gần đây.
Yum China tụt xuống sau khi có một bản phúc trình được đưa ra trong năm 2012 theo đó nói hai trong số các nhà cung ứng của Yum đã cung cấp gà có lượng kháng sinh quá cao. Ngay khi hãng vừa bắt đầu phục hồi sau những cáo buộc này, thì cơn lo sợ về đợt bùng phát dịch cúm chim ở Trung Quốc lại làm tổn hại tới doanh số bán.
Cần phải nhắc lại là, hầu hết các đại gia đồ ăn nhanh này phát triển trên toàn cầu và được sở hữu, điều hành bởi các cá thể độc lập tại thị trường địa phương thông qua hình thức nhượng quyền. Điều này càng làm cho khả năng kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm của các hãng đồ ăn nhanh này khó kiểm soát khi chủ nhận nhượng quyền mải mê kiếm lợi nhuận.