Cuộc trò chuyện với Nguyên Khang diễn ra vào một ngày đông ở Hà Nội. Mới đầu, có lẽ vì còn mệt vì lịch trình làm việc, di chuyển dày đặc, MC của chương trình The Remix khá kiệm lời. Nhưng khi "trúng mạch" sở thích, anh chia sẻ không ngừng về những cuốn sách mình yêu thích, các tác giả mình ngưỡng mộ...
'Đọc giúp tôi tìm ra chìa khóa thay đổi bản thân'
- Đâu là nguồn cảm hứng khiến việc đọc sách trở thành thói quen thường ngày của anh?
- Tôi rất thần tượng 2 MC nổi tiếng của Mỹ là Ellen DeGeneres và Oprah Winfrey. Kể từ lúc biết được sự vươn lên thành công của Oprah, tôi thấy giữa mình và họ có khá nhiều điểm chung, đặc biệt là con đường đi đến thành công. Càng tìm hiểu về họ, tôi lại càng muốn học hỏi những điều hay từ hai MC này.
Để trở thành nữ hoàng truyền thông, Oprah Winfrey đã bắt đầu đọc sách từ khi còn là một đứa trẻ và đến tận bây giờ, bà vẫn giữ thói quen đó. Cha bà nổi tiếng nghiêm khắc. Mỗi tối, ông yêu cầu Oprah đọc một quyển sách và sáng hôm sau phải có một bài viết về quyển sách đó. Chính điều này đã tạo nên một Oprah rất sâu sắc, hiểu biết và thông thái trong cách dẫn chương trình.
Câu chuyện của bà truyền cảm hứng và buộc tôi biến mình từ một kẻ lười đọc sách thành người chăm đọc.
- Theo anh, việc đọc hàng ngày đem lại những lợi ích gì cho công việc, lối sống của bản thân anh và cộng đồng nói chung?
- Tôi cảm thấy thay đổi nhiều khi rèn luyện văn hóa đọc cho mình. Tôi thường đọc sách về sự thành công của những doanh nhân hoặc người nổi tiếng. Kinh nghiệm, ảnh hưởng và thành công của họ giúp tôi tìm ra chiếc chìa khóa để thay đổi bản thân. Tôi đang đọc cuốn Lý Gia Thành: Ông chủ của những ông chủ. Trước đó, tôi đọc Ellen Degeneres: My point…and I do have one. Những cuốn sách đó giúp tôi định hướng đúng trong con đường mình đã chọn và theo đuổi, vì họ là những người tôi rất ngưỡng mộ.
Đọc sách còn giúp tôi nảy sinh những ý tưởng hay. Đọc càng nhiều, tôi càng mở mang đầu óc, biết cách xâu chuỗi vấn đề, giải quyết tối ưu. Vì dụ như khi đọc Tony buổi sáng – Trên đường băng, tôi thấy phải suy nghĩ tích cực cho hướng đi lâu dài. Tôi thích có một Khang’s show nhưng luôn lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Và càng đọc, tôi biết mình cứ làm từ cái đơn giản nhất. Tôi biết sẽ khó khăn và vấp váp nhiều, nhưng tôi thấy cái được nhất là thỏa mãn đam mê của chính mình.
Ngoài ra, đọc sách giúp tôi thư giãn. Nó giúp tôi tìm hiểu sâu một vấn đề, thư giãn tâm trí. Vì dụ như khi tôi đọc Tony, anh ấy giúp tôi giải thích được vì sao Hong Kong lại có tên là Hương Cảng. Thói quen đọc cũng giúp tôi sống chậm lại, nhìn mọi thứ rõ ràng hơn và giúp ích cho công việc dẫn chương trình của tôi trên radio và truyền hình.
Bạn rộn với công việc nhưng Nguyên Khang vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. |
- Anh là một MC khá đắt show. Anh thường đọc sách vào lúc nào?
- Đúng là giai đoạn này tôi khá bận rộn với những chương trình cuối năm, nhất là các sự kiện quốc tế. Tôi hay tranh thủ đọc sách lúc chờ chuyến bay, trên máy bay hay trước khi đi ngủ.
Trước đây, tôi đọc sách một lúc là sẽ ngủ ngay. Nhưng bây giờ, nhiều cuốn sách hay khiến tôi say mê đọc quên giờ giấc. Sách cũng giống như bạn bè, nếu có duyên, tôi sẽ chọn được những cuốn rất tuyệt.
- Anh thích đọc các thể loại sách như thế nào? Tại sao?
- Tôi thích đọc những cuối sách về doanh nhân thành công, các chính trị gia hay những nhân vật showbiz nổi tiếng và con đường lập nghiệp của họ.
Trước đây, tôi đọc rất nhiều sách về kỹ năng vì tự thấy mình vẫn còn thiếu một số kỹ năng mềm trong giao tiếp, kỹ năng nói chuyện và cách tư duy vấn đề. Nhưng bây giờ, tôi mê đọc câu chuyện của những người thành công lắm. Tôi thấy họ truyền cảm hứng cho mình mãnh liệt. Tôi chợt nhận ra rằng: Không có một công thức chung nào để đi đến thành công. Tuy nhiên, có một điểm chung mà hầu hết những doanh nhân thành công nhất thế giới đều có, đó là tất cả họ đều đọc rất nhiều sách báo, tài liệu…
Ví dụ như nhà đầu tư Warren Buffett, ước tính rằng 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành để đọc và suy ngẫm. Ông nổi tiếng với câu nói: "Tôi thường ngồi trong văn phòng của mình và đọc hầu như hàng ngày”.
Bill Gates cũng là một tín đồ của sách. Thậm chí ông còn có thư viện lớn hàng ngàn mét vuông để lưu giữ những quyển sách và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Ông từng chia sẻ: "Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi tôi còn là một đứa trẻ, và không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi đã có cơ hội đọc rất nhiều”.
Nguyên Khang cho rằng thói quen đọc không chỉ giúp ích trong công việc mà còn khiến con người, cuộc sống của anh hoàn hảo hơn. |
- Những tác giả nào khiến anh hào hứng chờ đón các tác phẩm mới? Tại sao?
- Tôi thích Ellen Degeneres, thích đọc những truyện ngụ ngôn nhưng rất hâm mộ Tony Buổi Sáng. Cái cảm giác tò mò muốn biết chân dung của Tony rất thú vị. Nó giống như những thính giả nghe đài tò mò muốn biết chân dung khi nghe tôi nói chuyện trên đài vậy. Tôi không hiểu sao Tony lại vừa sâu sắc và vừa hài hước đến thế. Lúc đầu, em gái tặng tôi cuốn Tony buổi sáng, tôi nghĩ chắc cũng bình thường như những cuốn khác. Nhưng đọc một hồi lại ghiền và tiếp tục đọc cuốn thứ hai.
Tôi cũng thích tác giả Paulo Coelho. Tác giả người Brazil, nổi tiếng khắp thế giới và quen thuộc với độc giả Việt qua Nhà giả kim, 11 phút, Quỷ dữ và nàng Prym, Veronika quyết chết... Sách của Paulo Coelho thường theo dạng “ngụ ngôn cuộc sống”, “nuôi dưỡng tâm hồn”, phù hợp với giới trẻ còn chưa định hướng được cuộc đời. Nếu bạn đang lung túng về con đường mình đang đi, có thể tìm đọc tác giả này.
'Phải đọc lại nhiều vì trí nhớ kém'
- Cuốn sách nào khiến anh tâm đắc nhất trong thời gian gần đây?
- Tôi thích Chuyện bên ly café và Trên đường băng của Tony Buổi Sáng. Cuốn đầu tiên thì tôi mất gần 1 tuần để đọc xong nhưng tới cuốn thứ hai thì chỉ vài ngày. Tôi đọc Chuyện bên ly café 2 lần và gấp lại những trang hay để nghiền ngẫm.
Còn Trên đường băng, nó có chừa vài dòng để tôi ghi cảm nhận riêng. Sau này đọc lại, tôi sẽ nghiền ngẫm xem tại sao lúc ấy mình lại suy nghĩ như thế, bây giờ và trước đó có gì khác nhau không?
Tôi đọc lại nhiều vì trí nhớ kém, tôi muốn nhớ thật nhiều những cái hay mà Tony đã chắt lọc và viết. Tôi muốn học cái sâu sắc và hài hước của Tony để nâng cao khả năng của mình trong cách nói và viết lách.
- Thích những cuốn sách của Tony Buổi Sáng như vậy, anh thấy sao khi tác giả này tạm ngưng viết sách?
- Tôi hơi buồn và tiếc. Tony bảo anh đang mất cảm hứng viết sách nên tạm dừng. Tôi vừa cài một cái app (ứng dụng) của anh vào điện thoại, định bụng “ăn cắp kiến thức” của anh để làm giàu kiến thức cho mình. Hình như anh ta biết ý đồ của tôi hay sao ấy, nên đã dừng viết một thời gian và chưa có ý định quay lại (cười lớn).
- Cuốn sách nào giúp ích nhiều nhất cho công việc MC mà anh đang theo đuổi? Tại sao?
- Tôi thích cuốn How to talk to anyone, anywhere, anytime của ông hoàng talk show Larry King. Khởi nghiệp, ông là một phát thanh viên của một đài tỉnh lẻ, và sau đó phấn đấu trở thành MC talkshow số 1 của đài CNN. Ông về hưu năm 77 tuổi, sau 25 năm là biểu tượng lớn của ngành công nghiệp truyền hình Mỹ.
Tôi đọc từng trang và thấy nó hay quá. Tôi có xuất phát điểm giống ông, cũng là một phát thanh viên cho kênh âm nhạc, tôi rụt rẻ, nhút nhát và mặc cảm về cách dẫn của mình. Nhưng tôi phấn đấu nỗ lực, vì tôi thấy được truyền cảm hứng từ con đường sự nghiệp của ông ấy. Tôi không mong mình trở thành “vua talk show” nhưng tôi mong mình thành công ở lĩnh vực mình đang chọn.
- Khi cần giải trí, xả stress, anh chọn loại sách như thế nào?
- Tôi cũng mê đọc sách trinh thám. Nó khiến tôi phải đọc liên tục và rèn luyện cách suy nghĩ logic, hiểu được gì sao người ta có động cơ và biến động cơ thành thực tế. Sách trinh thám giúp trí óc vận động và loại sách này không hề chỉ để giải trí giết thời gian một cách vô bổ. Ví dụ như cuốn Millennium (Thiên niên kỷ) của tác giả Stieg Larsson người Thụy Điển.
Tôi nghĩ còn nhiều lắm những cuốn sách hay để giới thiệu cho mọi người. Nhưng trước hết hãy tập cho mình cách tiếp cận với sách một cách nhẹ nhàng nhất bằng cách chọn đọc những cuốn sách hay, từ từ chính những cuốn sách ấy sẽ là nguồn cảm hứng giúp bạn tìm thêm những “người bạn mới” cho chính bản thân mình.