Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MC Hoàng Linh nhớ lễ cưới đặc biệt do nhà báo Lại Văn Sâm làm chủ hôn

Gắn bó với "Chúng tôi là chiến sĩ" trong hơn một thập kỷ, Hoàng Linh có những chuyến đi nhớ mãi không quên và biết bao câu chuyện buồn vui, đong đầy cả nụ cười và nước mắt.

MC Hoàng Linh đến với chương trình Chúng tôi là chiến sĩ từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Cô có chuyến công tác Trường Sa đầu tiên trong đời vào năm 2009, chuyến đi mà cô chia sẻ nhớ mãi không quên.

Kỷ niệm 4 lần ra Trường Sa cùng chiến sĩ

- 14 năm qua, "Chúng tôi là chiến sĩ" thực hiện chương trình với rất nhiều đơn vị quân đội khắp cả nước, với hành trình di chuyển không đơn giản, từ biên giới đến hải đảo. Chị có thể chia sẻ về chuyến đi vất vả nhất?

- Tôi đã đồng hành với chương trình 14 năm, sắp bước sang năm thứ 15. Chúng tôi đi công tác, thực hiện hàng trăm đợt ghi hình, khắp vùng miền Tổ quốc. Chuyến đi vất vả thì nhiều lắm. Vì ở mỗi độ tuổi, sức chịu đựng cũng như sự thích nghi của mình khác nhau. Khi còn trẻ, tinh thần mình luôn đầy lửa, xông pha hơn.

Tôi nhớ mãi chuyến đi đảo Bạch Long Vĩ, sóng đánh mạnh, mình bị nôn mật xanh mật vàng. Đến nơi, chỉ có 1 giờ để hồi sức, sau đó lại lên hình với năng lượng vui vẻ, rạng rỡ nhất.

MC Hoang Linh Chung toi la chien si anh 1

Kỷ niệm với những người lính ở mọi miền tổ quốc luôn khiến ê-kíp Chúng tôi là chiến sĩ xúc động

Cách đây 2 năm, tôi đi cùng nhóm phóng sự đến với các chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang. Trong 4 ngày, chúng tôi phải di chuyển cả đi cả về khoảng hơn 1.000 km. Những năm đầu tiên, tôi còn bị say xe. Về sau, mình quen dần. Tôi tự hào sức khỏe của mình cũng ngang ngửa các đồng chí nam giới.

Nhìn chung, một năm ê-kíp có 4-5 đợt ghi hình, ít nhất 2 lần quay ngoại cảnh. Tôi quan niệm khi mình đã là người đồng đội đặc biệt của các chiến sĩ, mình phải lăn xả cùng họ. Mình hòa nhập cùng cuộc sống của họ, cũng thức dậy từ 5h sáng. Thực sự tôi cảm thấy mình rắn rỏi, trưởng thành, mạnh mẽ hơn sau chặng đường dài đồng hành với chương trình.

Có những lúc mình cũng mệt nhoài. Nhưng khi đứng trước máy quay và nghe thông báo lên hình, mọi vất vả dường như tan biến.

Gần đây nhất, chúng tôi có chuyến đi Đà Nẵng vào đúng đợt nắng nóng đỉnh điểm. Ê-kíp quay quần quật 5 ngày ở thao trường. Tôi dậy make-up từ 3h30 để kịp 5h15 bấm máy và đóng máy trước 7h30 vì trời quá nóng.

Sau đó, khoảng 16h, chúng tôi lại ra sân khấu, gần như phải chạy đua với thời gian để khoảng 18h30 đóng máy. Nói chung, mình không có thời gian để mệt. Khi trở về Hà Nội, lúc ấy mới cảm thấy rã rời.

Có lẽ điều may mắn nhất của tôi là 14 năm trong nghề, chưa bao giờ sức khỏe mình gặp vấn đề và ảnh hưởng đến công việc.

- Khi đến những nơi đặc biệt như vùng biển đảo, công việc ghi hình thường được bắt đầu như thế nào và có gì khác biệt?

- Trước khi đến các đơn vị, chúng tôi đều kết nối, trao đổi nội dung chương trình qua email, chuẩn bị nhân lực, dàn dựng sân khấu… Mỗi chuyến đi có đặc thù khác nhau về thời gian cũng như quá trình tác nghiệp.

Năm 2009 là chuyến công tác Trường Sa đầu tiên trong đời của tôi. Lúc ấy, tôi mới 24 tuổi, nên chuyến đi cực kỳ đáng nhớ. Mình cảm nhận sự thiêng liêng khi được đặt chân đến vùng đất ý nghĩa của Tổ quốc.

Chúng tôi đi vào khoảng tháng 4, thời điểm biển khá lặng. Nhưng ngồi trên tàu chở lương thực, cảm nhận sóng biển vẫn chòng chành, rồi mùi xăng dầu sộc vào mũi. Chương trình thực hiện trên đảo không có nhiều thời gian để quay như ở đất liền hay ở Đài truyền hình. Sân khấu ngoại cảnh được dựng ở ngay cột mốc của đảo, nắng như đổ lửa. Mỗi lần ghi hình là chúng tôi chạy đua với thời tiết.

Đến bây giờ, tôi đã có 4 lần đi Trường Sa rồi. Khi đứng trên đảo, hít thở không khí ở đó, nhìn cuộc sống của bộ đội, nghe những câu chuyện họ chia sẻ, tự nhiên nước mắt mình cứ trào ra vì thương..

Chuyến đi vào năm 2012 cũng là một hành trình dài, khoảng 13-14 ngày lênh đênh trên biển. Rồi vào năm 2016, chúng tôi đi được hơn 10 đảo như Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… Thời gian tác nghiệp trên đảo không nhiều, nên chúng tôi gần như dẫn trực tiếp, rất hạn chế làm lại.

Với những đảo nhỏ hơn như An Bang, Cô Lin, ê-kíp chỉ có thời gian làm phóng sự lẻ. Một kíp thường được chia thành các nhóm nhỏ để làm những việc khác nhau.

Khi xem những chương trình đó phát sóng, tôi tin rằng tình yêu quê hương biển đảo, lòng tri ân với người lính sẽ được nhân lên nhiều lần. Khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền cảm giác không còn nữa, giống như câu hát quen thuộc "Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Lễ cưới đặc biệt và những câu chuyện cảm động về người lính

- Công việc nào được cho là khó khăn nhất để hoàn thành một số ghi hình cho chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ"?

- Tôi nghĩ những khó khăn, vất vả nhất đã thuộc về các chiến sĩ rồi. Về nhân lực, chúng tôi luôn được hỗ trợ tối đa. Sự phối hợp giữa Đài VTV3 và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam là mối lương duyên ngọt ngào, ăn ý suốt 14 năm qua.

Để có một thành phẩm hoàn thiện lên sóng, mỗi công đoạn, tiền kỳ hay hậu kỳ, đều có khó khăn riêng. Và tất cả đều phải khắc phục để hoàn thành. Có chăng điều khó khăn là quân đội vốn kỷ luật thép. Công việc của người làm báo là làm thế nào để chạm được vào trái tim người lính, thấu hiểu, khơi gợi để họ cởi mở hơn, kết nối với mình để tạo nên một chương trình hay.

- Vậy hành trình tiếp cận, lấy câu chuyện hẹn hò của các chiến sĩ, thuyết phục họ tham gia quay các phóng sự hiện trường diễn ra như thế nào?

- Thực ra chúng tôi chưa bao giờ phải cố thuyết phục, bởi với mỗi chiến sĩ, họ cũng cảm thấy vui và tự hào khi được tham gia chương trình. Ngược lại, chúng tôi dành thời gian khai thác thông tin, tìm hiểu để không bỏ sót những câu chuyện, tấm gương, những bài học hay mà mình có cơ hội nhìn thấy, nghe được.

Khi đến đơn vị làm việc, chúng tôi thường có buổi gặp gỡ trước để kết nối với nhân vật, khai thác câu chuyện.

MC Hoang Linh Chung toi la chien si anh 6

MC Hoàng Linh và Đức Bảo trong buổi ghi hình ở thao trường (Đà Nẵng).

- Câu chuyện tình cảm nào từng khiến chị cảm động, ví dụ như chuyện yêu xa, chuyện vợ chồng cả năm mới có đôi lần đoàn tụ của các chiến sĩ biên giới, hải đảo?

- Tình yêu của người lính có rất nhiều câu chuyện cảm động, chuyện yêu xa. Tôi còn nhớ trong một chương trình mình dẫn cùng chú Lại Văn Sâm, một đám cưới đã được tổ chức ngay trên sân khấu. Chú Sâm là chủ hôn, còn tôi nâng váy và hoa cho cô dâu. Tôi nhớ mãi hình ảnh đáng yêu đó!

Rồi câu chuyện của cặp vợ chồng cùng là quân nhân, phục vụ trong quân đội. Họ ở những đơn vị khác nhau với những chuyến công tác kéo dài. Họ đã hy sinh cuộc sống tình cảm của mình để hoàn thành nhiệm vụ. Những tình yêu đó thiêng liêng lắm!

- Hơn 10 năm đồng hành cùng chiến sĩ, chắc hẳn chị đã được nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc sống của họ. Ngay lúc này, chị nhớ đến ai?

- Đúng là có những câu chuyện giản dị nhưng khiến mình nhớ mãi. Tôi nhớ đến một học viên ở Học viện Hậu cần. Chàng trai ấy có một người bạn thân bị liệt hai chân. Suốt thời đi học, bạn ấy đã cõng người bạn của mình trên lưng. Tình bạn đó khiến tôi rất xúc động và đã về Nghệ An để quay phóng sự. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc chàng trai lại cõng bạn mình trên lưng, tôi đã lồng nhạc bài hát Tình bạn của Đan Trường.

Còn nhiều câu chuyện của các cựu chiến binh. Những hy sinh của các bác các chú khiến mình khâm phục và thêm trân trọng cuộc sống trong thời bình. Nếu không có máu xương, hy sinh của thế hệ trước, làm sao chúng ta có cuộc sống như bây giờ.

Một cựu chiến binh từng kể bác đi chiến trường khoảng 6 năm, lúc đi vợ mang bầu sắp đẻ. Khi bác về đến đầu làng, gặp đứa trẻ nhìn quen nhưng không biết đó là con trai mình. Sau đó, đứa trẻ cũng không biết nhận bố, cứ gọi là chú bộ đội. Chỉ có chiến tranh mới khiến người ta phải chịu đựng những điều như vậy.

Hay câu chuyện một chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo đã không thể về nhà chịu tang mẹ khi bà qua đời. Phòng cậu ấy ở trên đảo luôn để bức ảnh của mẹ, mình cảm nhận được sự tổn thương, mất mát của cậu ấy. Thương lắm!

MC Hoang Linh Chung toi la chien si anh 7

Nhà báo Lại Văn Sâm khi dẫn Chúng tôi là chiến sĩ.


"Người lính bên ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong ấm áp"

- Nghe chị chia sẻ, tôi cảm nhận được chị có cả một bầu trời kỷ niệm với chương trình, với các chiến sĩ. Tôi được biết có những buổi ghi hình thường kết thúc rất khuya. Chị có thể kể thêm về một đêm ghi hình muộn nhiều kỷ niệm?

- Trong phiên bản những năm đầu tiên, để bắt được khoảnh khắc mặt trời lặn, bầu tranh xanh biếc, ê-kíp thường ghi hình vào khoảng 17h30 và kết thúc vào 21h30. Sau đó, chúng tôi ngồi xem lại băng phát sóng, kiểm tra, góp ý có khi kéo dài đến 0h . Sau này, để đỡ vất vả cho ê-kíp và các chiến sĩ, chúng tôi hạn chế quay muộn, chủ yếu quay vào giờ hành chính và cố gắng kết thúc trước 19h.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một vài chương trình phải kết thúc muộn, khoảng 23h30. Các chiến sĩ vẫn nhiệt tình, vỗ tay rào rào. Bộ đội không mệt thì ê-kíp không được phép mệt.

- Trong các chuyến công tác, ê-kíp Chúng tôi là chiến sĩ đều ăn chung và sinh hoạt theo giờ giấc của quân đội?

- Đúng vậy, chúng tôi sinh hoạt như các chú bộ đội. Cơm quân đội rất ngon, đều là thực phẩm sạch tăng gia như gà, lợn, rau, đu đủ… Tùy từng vùng miền, chúng tôi được thưởng thức những món ăn khác nhau. Chúng tôi cũng ngủ giường tầng của chiến sĩ. Riêng tôi là con gái được ưu tiên ở phòng của sĩ quan.

Bữa ăn quân đội đặc biệt ở chỗ 6h sáng đã ăn cơm, 11h ăn trưa và 17h30 ăn tối.

- Việc mang vác hành lý, máy quay, và dụng cụ tác nghiệp đến những đơn vị đóng quân ở các vùng hiểm trở gặp khó khăn như thế nào, chị có thể chia sẻ?

- Có lẽ vất vả nhất là đợt đi Trường Sa, máy móc tác nghiệp được đóng gói rồi gửi ở cảng. Bạn có thể hình dung, tổng số thiết bị đó nặng bao nhiêu tạ - máy quay, chân máy, thiết bị âm thanh... Khi đi làm ở những vùng biên giới, biển đảo, chúng tôi sợ nhất là ảnh hưởng máy quay. Đó là tài sản, chứa đựng công sức lao động của anh em. Chúng tôi bảo vệ các file trong thẻ nhớ còn hơn giữ mạng sống của mình.

- Có lần ghi hình nào ê-kíp đã gặp nguy hiểm hay kịch bản không diễn ra theo đúng dự kiến?

- Chắc là nhiều lắm. Khi làm truyền hình, bạn luôn phải chuẩn bị trước tâm thế để ứng biến mọi tình huống. Nhiều thứ diễn ra không như kịch bản. Lần tôi sợ nhất là khi quay ngoại cảnh tại Nha Trang và gặp trời mưa. Do không may, một quay phim trong đoàn bị điện giật nhưng may mắn không gặp nguy hiểm. Rồi một lần khác, khi đang quay ở bờ kè ngoài Trường Sa, do say sưa tác nghiệp, anh quay phim bị cơn sóng biển lớn ập vào người. May là anh vẫn đứng vững, máy quay bị ảnh hưởng một chút.

- Trong quá trình tác nghiệp, đơn vị quân đội nào chơi hay nhất, khiến chị và ê-kíp ấn tượng?

- Mỗi đơn vị có màu sắc riêng vì đặc thù huấn luyện khác nhau, nên rất khó để chọn cái nhất. Đơn vị tàu ngầm, các chiến sĩ phi công, không quân, cảnh sát biển, đặc công, hải quân, bộ binh, tăng thiết giáp, pháo binh... đều khiến tôi nể phục. Tôi nể phục tinh thần thép của họ trong mọi hoàn cảnh.

Người lính nhìn bên ngoài xù xì, gai góc thế thôi, nhưng bên trong tình cảm, ấm áp vô cùng.

Có lần tôi nói chuyện với một chiến sĩ phi công, bạn ấy nói bản thân không sợ chết, chỉ sợ làm cho hậu phương, gia đình mình buồn đau, tổn thương. Họ xác định sứ mệnh bảo vệ vùng trời Tổ quốc là niềm tự hào. Tôi đã rơi nước mắt khi quay phóng sự ở sân bay.

Khi tiếp xúc với thế hệ quân nhân trẻ bây giờ - những học viên ở các học viện nhà trường, tôi thấy họ thông minh, dí dỏm và giỏi. Đó là những ấn tượng đẹp của tôi.

Nếu để dùng ba từ ngắn gọn chia sẻ về hành trình 14 năm gắn bó với chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, có lẽ với tôi đó chính là tự hào - nể phục và đồng cảm. Tôi không dám nói mình có thể hiểu tất cả, nhưng ít nhiều tôi hiểu được sự khổ luyện, nỗ lực cũng như những khó khăn, vất vả, nét đẹp tâm hồn của người lính. Và tôi rất yêu quý họ!

Hậu trường BTV đi tất, ghi hình bản tin Thời tiết trước phông xanh

Chia sẻ với Zing, BTV Thời tiết Xuân Anh cho hay cô cảm thấy hạnh phúc khi hình ảnh hậu trường làm việc của mình được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Hiền Hà (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm