Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MB tăng trưởng đột phá trong nửa đầu năm 2018

MB là một trong những ngân hàng lọt top đầu về tăng trưởng lợi nhuận nhờ chiến lược đẩy mạnh các dịch vụ trong hệ sinh thái của tập đoàn.

Nền kinh tế tăng trưởng cao và quá trình cơ cấu xử lý nợ xấu về cơ bản đã ổn định, ngành ngân hàng được kỳ vọng có kết quả lợi nhuận cao trong năm 2018. Công bố kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy lợi nhuận của các ngân hàng nằm trong mức tích cực.

Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng còn các khoản nợ xấu lớn phải dồn lực tập trung xử lý thì nhóm các ngân hàng còn lại đang dần thực hiện các chiến lược tạo sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm cho thấy lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và các công ty con đạt mức 3.829 tỷ đồng, tăng 51,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 56% kế hoạch năm. Tổng tài sản của MB đạt 333.203 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.

Như vậy, MB đã có được sự bứt phá ấn tượng cả về kết quả kinh doanh và sự tăng trưởng. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng tăng 11% so với năm 2017, đạt 202.027 tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 6,6% so với năm 2017, đạt 234.796 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần của MB đạt 6.797 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động phi tín dụng đều có kết quả khả quan, đóng góp 25% vào tổng thu nhập của ngân hàng (cùng kỳ chỉ 19%).

Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 50% đạt 992 tỷ đồng; lãi từ ngoại hối tăng hơn 3 lần đạt 174 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 2,5 lần đạt 311 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác đạt 32 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

So với các ngân hàng khác, MB thuộc nhóm ngân hàng có quy mô lớn nhưng ROE vẫn ở mức khá cao đồng thời giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Cùng với đó, tỷ lệ chi phí CIR ở mức thấp đảm bảo cho lợi nhuận của MB ổn định ở nhóm trên của các ngân hàng.

Để đạt được những kết quả lợi nhuận kể trên, ngoài hướng đi truyền thống chỉ dựa vào tín dụng, MB còn đẩy mạnh các dịch vụ vệ tinh xung quanh hoạt động tín dụng cốt lõi.

MB anh 1
Bốn chuyển dịch: ngân hàng số, nâng cao quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty thành viên và 4 nhóm giải pháp: quản trị điều hành, kinh doanh, công nghệ và nhân sự là chiến lược giai đoạn 2017-2021 của MB.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt mức 11% với 202,027 tỷ đồng và huy động tăng trưởng tốt 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. LDR của ngân hàng quanh mức 72% và khá thấp để tiếp tục cho vay đầu ra.

NIM của MB bắt đầu tăng trưởng mạnh lên mức 4,2% trong 2017. Với NIM luôn duy trì ở mức trên 4%, MB đang có tỷ lệ này cao hơn hẳn các ngân hàng khác, đến từ lợi thế chi phí huy động vốn giá rẻ và đóng góp từ mảng tín dụng tiêu dùng của MCredit.

Doanh thu phí và dịch vụ của ngân hàng có mức tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 992 tỷ. Hoạt động Bancassurance từ MB Ageas Life bắt đầu thu về lợi nhuận khi doanh thu bảo hiểm tăng trưởng 46% và lợi nhuận thuần từ hoạt động này tăng trưởng ở mức 121% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 410 tỷ trong 6 tháng đầu năm do khoản lỗ kỹ thuật đã ghi nhận giảm.

Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ chứng khoán của công ty con MBS cũng có mức tăng ấn tượng 81% so với 30/6/2017. Với những cải tiến trong dịch vụ thanh toán và đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân, thu nhập từ mảng này cũng đạt mức tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán của MB cũng khởi sắc. Cơ cấu tài sản đầu tư của MB có xu hướng dịch chuyển phù hợp với các biến động trên thị trường chứng khoán, giúp ngân hàng ghi nhận 311 tỷ lợi nhuận (tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái) từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư.

Trước bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, ngân hàng chủ động hạ tỷ trọng trái phiếu chính phủ và tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong tài sản đầu tư của ngân hàng. Thêm vào đó, với những biến động tỷ giá tương đối lớn, hoạt động ngân quỹ cũng đem về cho ngân hàng 174 tỷ lợi nhuận (tăng 222% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chất lượng tài sản ở MB ngày càng duy trì an toàn khi NPL của ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp trên thị trường. Việc trích lập dự phòng của ngân hàng này cũng luôn ở mức an toàn so với các ngân hàng khác.

Tỷ lệ chi phí CIR tiếp tục được cải thiện mạnh từ mức 43% tại cuối 2017 xuống 39% tại quý 2/2018. CIR của MB đang ở vùng khá thấp so với bình quân CIR ngành xấp xỉ 45%, nằm trong top đầu các ngân hàng hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Trong dài hạn, rất khó để lợi nhuận ngân hàng tạo được mức tăng trưởng cao nếu chỉ dựa vào tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản. Tuy nhiên, tiềm năng của các hoạt động phi tín dụng sẽ là điểm khác biệt duy trì tốc độ tăng trưởng.

So với thị giá giao dịch, P/B của cổ phiếu MB chưa phản ánh hết được hết kết quả vượt trội về lợi nhuận của ngân hàng và kỳ vọng tích cực của thị trường cho cổ phiếu ngân hàng. P/B tại ngày 17/7 ở mức 1,64x phù hợp với mặt bằng định giá ngân hàng.

Vì vậy, với kết quả lợi nhuận lũy kế khả quan của MB trong quý 2, các chuyên gia phân tích dự báo về việc cổ phiếu MB còn nhiều dư địa để tiếp tục có cơ hội tăng mức vốn hoá thị trường trong thời gian tới.

Mộc Trà

Bạn có thể quan tâm