Theo Nikkei, một phần của khoản vay đã được cung cấp cho tập đoàn xe hơi này vào 9/5.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm, tạm ngừng hoạt động của các nhà máy sản xuất ôtô tại Nhật Bản và Bắc Mỹ. Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô đã phải vật lộn với doanh số yếu kém từ trước đại dịch khi dòng tiền rơi vào trạng thái tiêu cực.
Tính đến tháng 12/2019, Mazda sở hữu số vốn gần 500 tỷ yen và khoảng 63 tỷ yen giá trị chứng khoán. Ngoài ra, tập đoàn xe hơi này còn có các khoản hỗ trợ tín dụng trị giá 200 tỷ yen từ Ngân hàng Sumitomo Mitsui và các tổ chức tài chính khác.
Tuy nhiên, dòng tiền tự do của hãng xe này trong năm 2019 cũng rơi vào khoảng âm 130 tỷ yen. Các hỗ trợ tài chính mới sẽ giúp Mazda tái sản xuất sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Mazda tìm kiếm khoản vay 2,8 tỷ USD từ các ngân hàng Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Doanh số bán hàng trong tháng 2 của hãng đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng 3 cũng giảm với mức 33%. Các nhà máy của nhà sản xuất ôtô này tại Nhật Bản và nước ngoài đã phải tạm dừng hoạt động kể từ cuối tháng 2.
Triển vọng bán hàng của công ty tại Nhật Bản và Bắc Mỹ cũng không khả quan. Trong tháng 2, Mazda đã hạ mức doanh số dự kiến đến tháng 3 xuống còn 1,5 triệu xe, giảm 60.000 chiếc so với năm 2019.
Vào tháng 11/2019, Mazda đã điều chỉnh triển vọng lợi nhuận hoạt động xuống 60 tỷ yen, giảm 27% so với báo lãi 110 tỷ yen của năm 2018.
Năm ngoái, nhà sản xuất ôtô này cũng gặp thất bại khi cố gắng thực hiện chiến lược định giá mới. 2 mẫu xe cao cấp ra mắt vào năm 2019 đã không được sự ủng hộ của khách hàng, dẫn đến doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ, chiếm 30% doanh số toàn cầu của hãng, giảm mạnh.
Mazda không phải là nhà sản xuất ôtô duy nhất bị đại dịch tấn công. Trước đó, Toyota đã yêu cầu khoản tín dụng 1 nghìn tỷ yen từ các ngân hàng. Nissan Motor cũng đang tìm kiếm 500 tỷ yen.