Những ngày cuối năm, trời Huế mưa dầm dề. Cứ tưởng mưa kéo dài da diết kiểu nớ chắc hoa sẽ rụng tơi bời thì thương lắm cho những nông dân trồng hoa ven đô. Nhưng đến giáp Tết, trời đã tỏa nắng. Cái nắng mùa lạnh thật dễ chịu để hoa theo người xuống đường khoác áo xuân cho Huế.
Dừng lại ngắm mấy chậu cúc bên đường đang chớm những nụ vàng mơ và gặp ngay nụ cười của bác nông dân bán hoa: “May mà trời còn cho Tết!” Câu nói của bác nông dân, hồi trước tôi vẫn thường được nghe bà nội nói tương tự như thế trong những ngày cuối năm; mặc dù sản phẩm bán Tết của bà chỉ là mấy vồng rau ngò cải nho nhỏ, mấy khóm hoa tươi trong vườn nhà…
Nhưng mấy mớ rau xanh và hoa đến chợ ngày giáp Tết cũng đủ cho bà có dăm ba đồng mua trầu cau cúng ông bà và còn dư bao nhiêu thì lì xì cho mấy đứa cháu nội. Nông dân quê tôi ăn Tết to hay nhỏ còn phải nhờ trời. Trời thương, có năm được mùa lúa, tốt mùa rau thì mâm cúng tất niên trong nhà tươm tất hơn. Còn mấy nhà có trồng hoa vạn thọ, hoa cúc và sau này có thêm cúc Đà Lạt, thược dược, lay ơn…, đến thời điểm giữa tháng Chạp mà hoa hé nụ là gần như cả làng đi coi hoa. Coi xong có người còn nói: Tết ni bán được bông nhà ông nớ sẽ giàu cho mà coi!
Nói cho vui miệng rứa, chứ tiền bán hoa cũng chẳng bao nhiêu; nhiều lắm là sắm được thêm cho con mấy bộ áo quần mới, mua thêm được vài phong pháo cúng tất niên, đón giao thừa… Đã gần 15 năm rồi tôi không được hòa mình trong cái không khí chộn rộn của những ngày giáp Tết nơi làng quê.
Hoa giấy Thanh Tiên đặc trưng cho sắc màu Tết Huế. Ảnh: Văn Đình Huy. |
Cho dù cứ đến dịp cuối năm, tôi vẫn tranh thủ gác lại công việc ở phố, phóng xe về làng, hương khói cho ông bà, cha mẹ xong lại vội vã ào đi. Cũng vì thế mà lâu rồi tôi không được lắng đọng trong hương sắc hoa cỏ mùa xuân của quê nhà...
Tôi nhớ những ngày giáp Tết trời se se lạnh, cứ chập choạng tối, lũ con nít trong xóm tôi cùng nhau xuống ngã ba đầu xóm để điểm danh và khoe với nhau Tết ni đứa mô có đồ mới, đứa mô có o dì chú bác anh chị ở xa quê về ăn Tết và không quên hẹn nhau là sẽ thức tới giao thừa để đi lượm pháo. Làng tôi hồi đó không điện, không ti vi, chỉ có chiếc radio hiệu National trong nhà tôi là rộn ràng không khí Tết.
Ba tôi vừa nghe đài vừa chuẩn bị mâm cúng giao thừa, bà nội ngồi bên ngọn đèn dầu têm mới mấy miếng trầu, mạ thì gội đầu bên chái bếp cạnh nồi bánh chưng đang đỏ lửa...
Tôi háo hức uống vô mấy ly trà thơm là quà của ông bác từ Đà Lạt gửi về biếu cho ba uống Tết để thức chờ giao thừa. Đài Tiếng nói Việt Nam đến chương trình ngâm thơ chào đón giao thừa và chính giọng ngâm ngọt ngào của mấy cô nghệ sĩ nhà đài đã đưa tôi vào giấc ngủ khi mô chẳng hay...
Đang ngon giấc thì ba tới bồng nổi tôi lên, nói yêu thương: “Dậy đón giao thừa con trai!” Ú ớ một chập, tôi mới chợt nhớ đang là đêm ba mươi Tết, chuẩn bị đến giao thừa. Tôi chạy ra chái bếp rửa mặt, thấy mạ vẫn còn ngồi sấy lại mẻ bánh thuẫn và canh luôn bếp lửa nồi bánh chưng, bánh tét đang chín tới. Trong nhà đã thấy ba soạn sửa xong mâm cúng giao thừa và treo phong pháo trước hiên nhà.
“Còn nửa tiếng nữa là giao thừa, khi mô ba châm pháo là con rót trà cúng nghe chưa!” Chưa đến giao thừa nhưng pháo đã nổ từ khắp làng. “Có mấy nhà đốt pháo hơi sớm, nhà mình cứ đốt theo đúng giờ của đài thôi,” ba nói. Giao thừa, giao thừa... Ba châm pháo, tôi rót trà, thằng em trai nhìn bịt tai cười theo tiếng pháo nổ. Bỗng bầu trời tối như mực đêm ba mươi sáng rực lên.
Tôi ngạc nhiên hỏi ba: “Cái chi mà sáng rõ rứa ba hè?” Ba cười: “Nhà ông Tuần đốt pháo sáng đó, pháo sáng ni là pháo dù hồi chiến tranh còn sót lại.” Giao thừa, giao thừa... Tiếng pháo nổ hòa cùng tiếng chuông trống bát nhã từ chùa làng, tiếng leng keng của chuông nhà thờ xóm Đạo và cả tiếng “hờn bái cúc cùng” từ đình làng của mấy cụ chức sắc đang tiến hành lễ cúng đón năm mới cho làng.
Ngoài đường xóm đã nghe lao xao tiếng mấy đứa con nít gọi nhau đi lượm pháo xịt. Nhà ông Tời hàng xóm tôi vừa dứt tiếng pháo thì anh em thằng Chiến đã nhanh chân chạy vô lượm pháo. “Đứa mô đó, con nhà ai đó? Ai cho bây vô đạp đất nhà tau rứa...” Là tiếng của ông Tời.
Đúng rồi, giao thừa thì đã là năm mới nên ai bước vô nhà đầu tiên tức là người đó đã “đạp đất”. Ba cười: “Kệ! Nhà mình ai đạp đất cũng được, mà con nít vía nhẹ đạp đất thì càng may mắn cho cả năm mà...