Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu mất Walkman, tôi sẽ khóc'

Khi già đi, tôi sẽ không muốn nghĩ đến điện thoại iPhone, nhưng nếu mất Walkman, tôi chắc chắn sẽ khóc.

Zing lược dịch từ bài viết của tác giả Vitoria Song trên trang Gizmodo.

Mùa hè năm 1997, điều duy nhất cứu tôi khỏi chuyến du lịch buồn tẻ cùng gia đình đến miền Tây Canada là "người bạn" Walkman đáng tin cậy của mình.

Có lẽ vì không muốn tôi quá mê mẩn với bộ phim “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Disney trên radio, bố mẹ đã mua cho tôi một chiếc Walkman vào tháng 7/1997.

Không giống với chiếc Walkman màu xám nhàm chán của bố tôi, máy nghe nhạc của tôi có màu xanh mòng két và một vài điểm nhấn hồng, tôi dán đầy những sticker dễ thương lên nó và từ đó, chúng tôi không thể tách rời.

May nghe nhac Sony Walkman anh 1

Ý tưởng mang âm nhạc đi khắp nơi đã giúp Sony làm ra máy nghe nhạc Walkman, một biểu tượng của giới trẻ những năm 1980. Ảnh: The Verge.

Đối với tôi, những chuyến du lịch cùng gia đình vốn buồn chán sẽ càng tệ hơn nếu đi cùng ông bà và mắc kẹt trong xe hàng giờ đồng hồ. Nếu không có máy nghe nhạc Walkman, tôi sẽ vô cùng khốn khổ.

Tôi không nói được tiếng Hàn nên không thể trò chuyện cùng ông bà, đọc sách cũng không khả thi với chứng say xe. Tôi cũng không được chơi GameBoys vì bố mẹ cho rằng trò chơi điện tử sẽ hủy hoại trí não, radio thì chỉ chơi nhạc Bach theo sở thích của mẹ. Walkman chính là cứu cánh duy nhất mà tôi có vào thời điểm đó.

Với tôi và hàng triệu người khác, Walkman chính là trải nghiệm đầu tiên về “không gian riêng tư di động”. Với hai tai nghe tồi tàn, loại miếng đệm xốp như bọt biển, không thực sự áp sát vào tai và dễ rách nếu không cẩn thận, bạn vẫn có thể hoàn toàn tách mình khỏi thế giới bên ngoài khi đeo chúng.

Tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra ngoài cửa sổ, nhưng lại không phải nghe tiếng cãi vã của mẹ và ông bà về việc chọn hướng đi. Việc chỉ có một vài băng cassette để nghe cũng không là vấn đề, điều quan trọng là tôi có một góc nhỏ của riêng mình, nơi tôi trốn khỏi sự đơn điệu từ những trận cãi vã và những con đường núi quanh co.

May nghe nhac Sony Walkman anh 2

Dòng máy WM-GX202, máy nghe nhạc sử dụng băng cassette với tính năng nghe radio. Ảnh: The Verge.

Sau chuyến đi đó, Walkman là thứ đầu tiên tôi bỏ vào balo của mình mỗi sáng trước đi đón xe đến trường. Mỗi khi cảm thấy buồn chán vì phải ngồi xe quá lâu, tôi lại lấy Walkman ra và bắt đầu quên đi hết mọi thứ xung quanh.

Bộ sưu tập băng cassette bí mật của tôi cũng nhờ vậy mà ngày càng lớn hơn. Bố mẹ không thể biết việc tôi nghe đi nghe lại album đầu tiên của Spice Girls đến khi cuốn băng bị vỡ hay việc tôi nhảy theo giai điệu của bài hát Last Time Lovers dưới tầng hầm. Tất cả là nhờ có Walkman.

Trong khi đa số mọi người đánh giá sự thành công của Walkman qua tính di động của nó, tôi cho rằng chính khả năng tạo ra sự riêng tư giữa môi trường công cộng mới chính là điều mà chiếc máy nghe nhạc này làm được.

Sony là hãng đầu tiên làm ra máy nghe nhạc Walkman vào năm 1979 nhưng không phải là hãng cuối cùng. Từ đó đến nay, đã có nhiều thương hiệu điện tử sản xuất thiết bị nghe nhạc và nhiều loại máy nghe nhạc đã ra đời như CD, iPod, mp3 và cả điện thoại thông minh, với chức năng nghe nhạc và thiết kế đẹp hơn rất nhiều.

Sử dụng Walkman chắc chắn vất vả hơn các thiết bị hiện đại khác, chẳng hạn như việc đoạn băng từ mỏng manh, dễ vướng vào đầu máy, khiến người sử dụng phải dùng bút để kéo nó vào lại vị trí cũ. Điều này tuy khó chịu nhưng vẫn không khiến tôi chuyển sang sử dụng đĩa CD hay iPod.

May nghe nhac Sony Walkman anh 3

Năm 2019, Sony đã tổ chức buổi triển lãm kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt Walkman với tên gọi "Công viên Walkman". Ảnh: The Verge.

Sử dụng Walkman với riêng tôi vẫn vô cùng tiện lợi bởi vì việc mang theo băng cassette dễ hơn nhiều so với một túi đựng đĩa CD cồng kềnh, tôi cũng không phải lo lắng về định dạng âm thanh hoặc dung lượng bộ nhớ của Walkman. Walkman cứng chắc hơn so với iPod khi làm rơi và cũng không cần tài khoản iTunes để chia sẻ âm nhạc với bạn bè, tôi đơn giản chỉ việc cho mượn băng cassette hoặc mua một bộ chia tai nghe.

Cuối cùng, với riêng tôi, nếu so Walkman với điện thoại thông minh, máy cassette nghe nhạc này giá trị hơn rất nhiều. Khi già đi, tôi sẽ không muốn nghĩ đến iPhone, nhưng nếu mất Walkman, tôi chắc chắn sẽ khóc.

Walkman chính là chiếc máy giúp tôi hình thành sở thích âm nhạc của mình ngoài các bộ phim của Disney và những bài hát cũ không còn phù hợp. Giờ đây, mỗi khi phải lái xe đường dài và mò mẫm với ứng dụng CarPlay, tôi lại thấy nhớ chiếc Walkman của mình.

Chiếc iPod nano cuối cùng vừa bị khai tử

Như vậy, dòng sản phẩm máy nghe nhạc trứ danh của Apple chỉ còn lại duy nhất chiếc iPod touch.

Sang Trần

Bạn có thể quan tâm