Các sản phẩm nghe lén, định vị đang được rao bán công khai trên nhiều trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Chúng được quảng cáo có kiểu dáng nhỏ gọn, ngụy trang giống như móc khóa xe, bút bi, pin dự phòng hay USB.
Sản phẩm có thể nghe lén từ xa, định vị GPS, pin đáp ứng từ 1-3 ngày sử dụng và có thể gắn thẻ nhớ ngoài để lưu trữ các đoạn ghi âm. Những thiết bị này được chào bán với giá từ 200.000-2.000.000 đồng.
Thúy Hạnh, nhân viên bán thiết bị nghe lén ở cửa hàng quận 10, TP.HCM cho biết với những sản phẩm giá cao thì mức độ ngụy trang tinh vi, khó phát hiện và pin dung lượng lớn, cho thời gian sử dụng lâu hơn.
“Máy nghe lén và định vị chủ yếu được nhập từ thị trường Trung Quốc. Để nghe lén, người dùng phải lắp SIM cho thiết bị sau đó nhập số điện thoại vào ứng dụng. SIM phải đăng ký 3G mới có thể truyền thông tin đến điện thoại và nghe lén trực tiếp”, Thúy Hạnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng, chủ cửa hàng bán thiết bị điện tử ở quận Tân Bình, TP.HCM, do những sản phẩm nghe lén dùng SIM 3G nên đường truyền không ổn định, thường bị gián đoạn khi nghe lén.
Thiết bị nghe lén, định vị GPS có hình dáng USB. |
Một số cửa hàng còn quảng cáo những thiết bị nghe lén có thể tự động gọi lại cho người dùng khi phát hiện giọng nói.
Bên cạnh các thiết bị nghe lén, định vị, những sản phẩm camera quay lén, ngụy trang tinh vi xuất hiện càng nhiều. Đây là mối lo lắng về quyền riêng tư của nhiều người.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, những người sử dụng thiết bị, phần mềm nghe lén, quay lén xâm phạm đến đời sống riêng tư của cá nhân và là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Điều 12 Luật Viễn thông 2009 có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có hành vi: "Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.
Hành vi vi phạm các quy định trên đây có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 125 Bộ luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”.